Những ngành nghề dân sự làm được, nên để dân sự làm!
(Dân trí) - Đối với những việc “dễ”, không nguy hiểm, dân sự làm được thì nên để dân sự làm. Không nên để lực lượng vũ trang sa vào những công việc hành chính thông thường dân sự làm được và làm tốt.
Hai thông tin được dư luận quan tâm, có nhiều ý kiến khác nhau vừa qua, đó là trong Dự thảo Luật Đảm bảo trật tự An toàn Giao thông (ATGT) vừa được Bộ Công an trình Chính phủ, thay vì thời hạn 10 năm như hiện nay, thời hạn của giấy phép lái xe ô tô sẽ chỉ còn 5 năm và chuyển việc cấp Giấy phép lái xe (GPLX) để Bộ Công an quản lý.
Về thay đổi thời hạn, tại Khoản 9 Điều 46 dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT đường bộ về thời hạn GPLX quy định: GPLX các hạng A1, A2, A3 không có thời hạn. GPLX hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.
Đối với qui định này, đã có nhiều ý kiến không tán thành. Lý do, việc rút thời hạn xuống 5 năm sẽ gây lãng phí, tốn kém, không cần thiết cho người dân. Có ý kiến đặt câu hỏi việc rút ngắn nhằm mục đích gì? Tại sao hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân cũng có thời hạn 10 - 15 năm mà bằng lái xe lại chỉ có thời hạn 5 năm trong khi tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ, Bộ GTVT vẫn để nguyên thời hạn 10 năm như hiện nay…
Sau khi nhận được phản hồi từ báo chí và dư luận xã hội, Bộ Công an đã họp với các bộ ngành liên quan và thống nhất bằng lái xe vẫn giữ nguyên thời hạn 10 năm thay vì rút xuống 5 năm. Bộ Công an sẽ phối hợp với các bộ ngành quản lý tài xế bằng hệ thống dữ liệu thông tin điện tử.
Đây là một quyết định đúng đắn, thể hiện tôn trọng đối với sự phản biện của người dân.
Về việc cấp giấy phép lái xe, theo tôi không nên để bên Công an cấp như dự thảo. Lý do thứ nhất, Lực lượng Công an sau những cải cách hành chính quyết liệt, bộ máy tổ chức được kiện toàn và hoạt động rất hiệu quả, được dư luận xã hội hoan nghênh.
Song, tình hình an ninh trật tự ngày càng phức tạp. Các đối tượng gây án ngày càng tinh vi. Đặc biệt, công tác phòng chống tham nhũng đang cấp thiết. Vì vậy, nên tập trung cao độ cho lĩnh vực này.
Thứ hai, với mô hình hiện nay, ngành GTVT cấp, công an kiểm tra, giám sát, GTVT làm sai, tiêu cực, Công an xử lý, phạt, khởi tố. Nếu Công an cấp, ai giám sát, ai xử lý? Điều quan trọng là không nên để dư luận cho rằng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Thứ ba, với những việc “dễ”, không nguy hiểm, dân sự làm được thì nên để dân sự làm. Không nên để lực lượng vũ trang sa vào những công việc hành chính thông thường dân sự làm được và làm tốt.
Cách tốt nhất, theo tôi, có lẽ nên chuyển công việc đào tạo sang lĩnh vực học nghề của ngành Lao động, Thương binh & Xã hội, ngành GTVT sát hạch, cấp bằng và ngành Công an kiểm tra, giám sát. Các bạn thấy thế nào?