Phiên chất vấn sôi động nghị trường!
(Dân trí) - Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường sáng hôm qua (17/11) đã diễn ra sôi động với hàng loạt các câu hỏi không dễ được các đại biểu đặt ra với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đó là các vấn đề về nợ xấu, tăng trưởng GDP, các dự án nghìn tỉ đắp chiếu, đạo đức cán bộ, hội nhập kinh tế...
Và cũng như những lần trước đây, một chủ đề được nhiều đại biểu (cũng là của cử tri) quan tâm nhất, đó là việc phòng chống tham nhũng và xử lý đối với các vụ việc tham nhũng lớn đã xảy ra
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) trở lại với câu hỏi từng chất vấn Bộ trưởng Công Thương về các dự án thua lỗ lớn. Ông Sinh bày tỏ lo ngại với tình trạng nghiêm trọng và phổ biến của tham nhũng đồng thời muốn biết giải pháp của Thủ tướng để ngăn chặn hiệu quả tệ nạn này.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đề nghị Thủ tướng cho biết thời gian qua, kết quả phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra có phải do Chính phủ chưa phối hợp đúng mức với các tổ chức chính trị xã hội, lắng nghe ý kiến người dân để phát huy vai trò của người dân một cách đúng tầm?...
Băng thái độ thẳng thắn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, biện pháp chống tham nhũng được nhấn mạnh ở nguyên tắc thể chế phòng chống không có kẽ hở (không thể, không dám, không muốn tham nhũng), loại bỏ cơ chế xin – cho, xử lý nghiêm minh, tăng cường kiểm soát quyền lực với bất cứ cấp cán bộ nào…
Với những biện pháp đồng bộ như vậy, Thủ tướng khẳng định sự tin tưởng cả hệ thống sẽ đẩy lùi được tham nhũng. Ngoài ra, cơ chế giám sát của nhân dân cũng được chú trọng để tạo ra tinh thần đấu tranh quyết liệt, quyết tâm trong cả hệ thống với quốc nạn này.
Về câu hỏi liệu các vụ việc tiêu cực có bị “chìm xuồng” của Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau): “Dư luận đã đề cập nhiều chuyện bức xúc như biệt phủ nghìn tỷ, bổ nhiệm cán bộ ồ ạt cuối nhiệm kỳ… nhưng sao những vấn đề đó sau đều dần dần… chìm xuồng?”… Thủ tướng khẳng định không có vụ nào đã phát hiện mà "chìm xuồng" đồng thời đề nghị có vụ việc gì cụ thể thì đại biểu tiếp tục nêu ra. Chính phủ quyết không để những vụ tiêu cực, tham nhũng rơi vào tình trạng như vậy.
Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nói về 5 dự án nghìn tỷ thua lỗ lớn. Ông Minh cho rằng việc làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức với những dự án gây thiệt hại lớn này đang rất chậm và việc xử lý chậm sẽ càng ngày càng gây thua lỗ lớn. Thủ tướng cần chỉ đạo quyết liệt việc này để lấy lại niềm tin của người dân.
Tương tự như Đại biểu Minh, Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cũng đặt câu hỏi về quan điểm của Thủ tướng đối với 5 dự án nghìn tỉ có vốn nhà nước nhưng đắp chiếu, gồm Xơ sợi Đình Vũ, Ethanol Dung Quất, Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Bột giấy Phương Nam, Đạm Ninh Bình.
Trả lời các câu hỏi này, Thủ tướng cho biết: “Đối với 5 nhà máy thua lỗ lớn, tinh thần là không sử dụng thuế của dân bù cho việc lỗ này. Tinh thần là cắt lỗ, bán khoán cho thuê, thậm chí phá sản, không để tiếp tục là gánh nặng kinh tế, không thể là gánh nặng cho ngân sách. Nhưng với từng dự án, Chính phủ sẽ xem xét cụ thể để giữ lại tài sản đó một cách phù hợp và tốt nhất để báo cáo kết quả lại với Quốc hội”.
Công bằng mà nói, hơn 7 tháng qua, Chính phủ nhiệm kỳ này đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tháo gỡ và giải quyết không ít những hậu quả nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực. Song, bằng nỗ lực của tập thể Chính phủ mà đứng đầu là của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hàng loạt các vướng mắc đã và đang được tháo gỡ, kinh tế đang phục hồi và phát triển.
Hi vọng rằng với quyết tâm của Đảng, Nhà nước, nhất là công cuộc xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng sẽ dần được loại bỏ, những vụ việc gây bức xúc không bị “chìm xuồng” và đặc biệt, những đồng tiền thuế của dân sẽ được coi trọng thật sự, không bị phí phạm hay thất thoát. Và cũng chỉ khi đó, kinh tế mới phát triển, đất nước mới đi lên, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám