Quả là những cán bộ quá... mẫn cán, nhiệt tình!

(Dân trí) - Nên chăng có những việc cán bộ đừng “nhiệt tình thái quá” vì nhỡ biết đâu người ta lại đặt câu hỏi “có uẩn khúc”, có “lợi ích ngầm nào đó” hay không, mà hãy để dành thời gian quản chặt và sâu sát những vấn đề đáng ra không bao giờ cho phép được buông lỏng?!

Quả là những cán bộ quá... mẫn cán, nhiệt tình! - 1

Ông Lâm Văn Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương, một trường đạt chuẩn quốc gia ở TP Sóc Trăng mới đây đã bị đình chỉ công tác.

Lý do theo cán bộ Phòng GD&ĐT TP Sóc Trăng là ông Hải đã tự ý xây dựng bếp ăn cho học sinh khi chưa được ngành giáo dục cho phép và nguồn kinh phí xây dựng cũng chưa thể hiện rõ được lấy từ nguồn nào.

Công văn của cơ quan này nêu rõ: “Năm học 2018 - 2019, Trường Tiểu học Hùng Vương không được tổ chức nấu ăn tại trường cho học sinh bán trú, đồng thời cũng không được tổ chức đấu thầu nấu ăn tại trường để cung cấp suất ăn phục vụ cho học sinh bán trú vì thời gian công tác của Hiệu trưởng còn không đầy một năm học (tháng 3/2019 nghỉ hưu)” và “Vì thời gian để thực hiện quy trình, thủ tục mời thầu cũng như xây dựng bếp ăn tại trường không đảm bảo tiến độ”.

Phòng GD&ĐT còn yêu cầu “Trường Tiểu học Hùng Vương tiếp tục tái ký hợp đồng (với doanh nghiệp Ẩm thực 36-PV) để ổn định hoạt động của trường. Khi có Hiệu trưởng mới thì tiến hành tổ chức đấu thầu nấu ăn cho học sinh bán trú theo quy định”.

Trăm công nghìn việc mà Phòng GD&ĐT TP Sóc Trăng vẫn “quan tâm sâu sát” đến bữa ăn của học sinh trường bán trú, kể ra những cán bộ ở đây cũng thật mẫn cán! Nhưng oái oăm ở chỗ, doanh nghiệp mà Phòng GD&ĐT chỉ định lại bị chính phụ huynh học sinh trường này phản đối do cung cấp suất ăn không đảm bảo chất lượng.

“Ẩm thực 36 nhiều năm cung cấp suất ăn cho học sinh, năm nào cũng có ý kiến không đồng tình của phụ huynh học sinh. Vì vậy không có lý do gì hợp đồng lại với đơn vị này” – PV dẫn lời một phụ huynh lớp 5 của trường cho biết.

Trước tình hình đó, ông Hiệu trưởng đã không thực hiện theo công văn của Phòng GD&ĐT; đồng thời, cho ngăn một phần nhà ăn để xây dựng khu vực nấu ăn và đã bị Phòng GD&ĐT phát hiện và xử lý bước đầu như nêu trên.

“Trên đe dưới búa” – câu này có lẽ miêu tả đúng hoàn cảnh của vị Hiệu trưởng này. Trái lệnh trên thì mất lòng phụ huynh (nói theo ngôn ngữ thị trường gọi là “khách hàng”), ngược lại, chiều theo ý phụ huynh thì rơi vào tình huống “trái lệnh”.

Cấp dưới mà không nghe theo lệnh cấp trên, rõ là ông Hải “to gan” quá! Nhưng, kể ra cán bộ Phòng GD&ĐT TP Sóc Trăng cũng “bao đồng”, nhiệt tình thái quá chăng? Sự nhiệt tình đến là khó hiểu khi mà công ty Ẩm thực 36 kia đã bị phụ huynh phản đối, nhưng vẫn còn chỉ định nhà trường phải tái ký kết.

Nói rủi như suất ăn “không đảm bảo chất lượng” đúng như phản ánh của phụ huynh thật, nhỡ có vấn đề gì thì Phòng có chịu trách nhiệm không, hay khi đó lại “bổ đầu” Hiệu trưởng? Trong khi đó, thú thực người viết thật không hiểu việc ông Hải sắp về hưu và việc nhà trường tự nấu ăn cho học sinh để đảm bảo chất lượng bữa ăn thì có gì sai?

Trên đây chỉ là một ví dụ về sự bất cập trong hoạt động quản lý của ngành giáo dục tại cấp phòng. Còn có những vấn đề khác như biên chế giáo viên, bảo đảm cuộc sống cho giáo viên hợp đồng, khắc phục tình trạng tổ chức dạy thêm, học thêm trái quy định hay chạy đua thành tích bề nổi… thì vẫn chưa đâu vào đâu.

Đáng nói là bạo lực học đường nhan nhản, bạo hành trẻ em cấp mầm non, đạo đức thầy cô xuống cấp… thì dường như phải ầm ĩ trên mạng xã hội, cán bộ phòng mới hay biết. Rồi như mới đây ở cấp sở, khi có trường lại tổ chức cho học sinh chơi trò chơi kích dục khiến dư luận phẫn nộ.

Thế mới thấy, nên chăng có những việc cán bộ đừng “nhiệt tình thái quá” vì nhỡ đâu người ta lại đặt câu hỏi “có uẩn khúc”, có “lợi ích ngầm nào đó” hay không, mà hãy để dành thời gian quản chặt và sâu sát những vấn đề đáng ra không bao giờ cho phép được buông lỏng?!

Bích Diệp