Nữ tỷ phú Việt tài trợ đại học ở Anh, ngẫm về tự chủ đại học ở Việt Nam

Bích Diệp

(Dân trí) - Trong chặng đường phát triển giáo dục ở Việt Nam, đến bao giờ cũng sẽ có những ngôi trường Việt Nam thu hút được những khoản đầu tư hàng chục triệu đến hàng trăm triệu USD như thế?...

Nữ tỷ phú Việt tài trợ đại học ở Anh, ngẫm về tự chủ đại học ở Việt Nam - 1

Thỏa thuận hợp tác có tổng giá trị 155 triệu bảng Anh (Ảnh: NT). 

Một thông tin đang gây "sốt" với công chúng mấy hôm nay, đó là việc Linarce College một trường đại học thuộc Viện Đại học Oxford (Vương Quốc Anh) công khai ý định đổi tên thành "Thao College" như một sự ghi nhận, tri ân đối với nữ tỷ phú của Việt Nam - bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Thông báo này được phía Linarce College đưa ra sau khi Tập đoàn Sovico và Viện Đại học Oxford ký biên bản ghi nhớ hợp tác, tài trợ đầu tư phát triển nghiên cứu, giáo dục với tổng giá trị 155 triệu bảng Anh (hơn 4.800 tỷ đồng) vào chiều ngày 31/10.

"Sau khi nhận được khoản quyên góp đầu tiên trị giá 50 triệu bảng Anh, chúng tôi sẽ xin phép Cơ mật viện Hoàng gia Anh đổi tên trường từ Linacre College thành Thao College để ghi nhận món quà mang tính bước ngoặt này" - website chính thức của Linacre College cho hay.

Dễ hiểu vì sao tin tức này lại thu hút sự chú ý đến vậy từ dư luận, đặc biệt là với cộng đồng du học sinh, giới trí thức đang công tác tại Vương quốc Anh. Một số người quen của tôi nói rằng, họ cảm thấy bất ngờ, kinh ngạc xen lẫn tự hào.

Một doanh nghiệp Việt tài trợ khoản tiền khổng lồ cho một ngôi trường danh tiếng và được đáp lễ bằng việc lấy tên của nữ doanh nhân người Việt đó để đặt tên trường. Dù không phải là chưa từng có tiền lệ trên thế giới, nhưng cũng "hiếm có, khó tìm".

Trong khoản tài trợ nói trên có Quỹ học bổng 7,5 triệu bảng Anh (hơn 1.550 tỷ đồng) sẽ dành cho sinh viên Việt Nam và các nước trong khu vực, mang đến cơ hội học tập, nghiên cứu cho sinh viên Việt Nam tại môi trường giáo dục hàng đầu thế giới tại Oxford.

Nên nhớ rằng, Đại học Oxford là cái nôi đào tạo của 28 thủ tướng Anh và nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Tính đến tháng 10/2020, trường này có 72 người đạt giải Nobel, 3 người đạt huy chương Fields và 6 người đạt giải Turing Award…

Mới thấy, Việt Nam cũng có những cá nhân siêu giàu, có trách nhiệm với cộng đồng và có tầm nhìn rất rộng. Biên bản ghi nhớ hợp tác, tài trợ đầu tư phát triển nghiên cứu, giáo dục mới đang dừng ở một lời hứa, song cũng đã nâng tầm vóc của doanh nghiệp, doanh nhân Việt trên trường quốc tế.

Nhìn lại trong nước, chúng ta cũng đang dần tự chủ giáo dục và nhiều doanh nhân lớn như tỷ phú Phạm Nhật Vượng, bà Thái Hương… đã mạnh tay đầu tư vào giáo dục tư thục. Học sinh, sinh viên Việt Nam đang ngày càng có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với nền tảng giáo dục tiên tiến, không nhất thiết phải du học ở nước ngoài.

Tuy nhiên, ở bình diện chung, sau khi rời "bình sữa" ngân sách Nhà nước, làm thế nào để các trường đại học có thể thu hút được nguồn lực lớn như vậy từ các doanh nghiệp lại chẳng phải dễ dàng.

Muốn thu hút được tài trợ, các trường đại học phải tạo dựng được uy tín, khẳng định được chất lượng giảng dạy. Cần thấy rằng, việc tự chủ giáo dục và xã hội hóa giáo dục không đồng nghĩa đặt kinh tế trên hết mà không chú trọng chất lượng.

Dẫu sao, thiên chức của giáo dục vẫn là "trồng người" chứ không phải là "kinh doanh", làm giàu từ giáo dục, điều mà đâu đó vẫn còn tồn tại ở một số trường trên cả nước hiện nay. Lạm dụng thu học phí, lạm dụng việc mở rộng để thu hút người học nhưng không đảm bảo được chất lượng, sinh viên ra trường không có việc làm. Không ít bạn trẻ lãng phí nhiều năm trên ghế nhà trường để đổi lấy một tấm bằng gần như không có giá trị.

Thiết nghĩ, Việt Nam không thiếu những mạnh thường quân, các doanh nghiệp Việt và cả doanh nghiệp FDI rất sẵn sàng đầu tư, trao đổi, hợp tác với các trường đại học theo hướng đôi bên cùng có lợi (win-win).

Trong chặng đường phát triển giáo dục ở Việt Nam, đến bao giờ cũng sẽ có những ngôi trường Việt Nam thu hút được những khoản đầu tư hàng chục triệu đến hàng trăm triệu USD như thế? Khi nào sinh viên Việt Nam ra trường cũng hãnh diện với bạn bè quốc tế và được các quốc gia công nhận về năng lực cá nhân, về vị thế của nhà trường?

Hãy cứ tin vậy!