Nông sản Việt bao giờ mới hết lép vế, nông dân Việt bao giờ "lớn lên"?

Bích Diệp

(Dân trí) - Chỉ khi có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà quản lý, người nông dân và cả sự "khó tính" của người tiêu dùng trong nước, nông sản Việt mới hết lép vế, nông dân Việt mới "lớn lên".

Nông sản Việt bao giờ mới hết lép vế, nông dân Việt bao giờ lớn lên? - 1

Hai năm trước, truyền thông trong nước được phen sửng sốt khi lá tía tô ở chợ Việt Nam được bán với giá rẻ như cho thì khi sang đến Nhật Bản, tía tô do một công ty tại Bắc Ninh trồng và xuất khẩu lại được bán với giá 700 đồng/lá.

Đến giữa năm nay, một nông sản khác của Việt Nam là vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng được bán ở thị trường Nhật Bản với mức giá 1 triệu đồng/1 hộp quà 12 quả. Còn ở Pháp, giá chung cho mặt hàng vải thiều ở thị trường này là 18 euro/hộp 1 kg, tức khoảng 500.000 đồng/kg.

Nếu như thế, cứ xuất khẩu với sản lượng lớn ra nước ngoài thì người nông dân Việt hẳn sẽ là tầng lớp có thu nhập cao chẳng thua ngành nghề nào. Vậy nhưng, đó có lẽ vẫn là giấc mơ viển vông và xa vời. Làm gì có một giả thiết dễ dàng đến thế!

Những câu chuyện trên dẫu có thực nhưng vẫn chỉ là đơn lẻ và mang tính hiện tượng. Nông sản Việt muốn ra nước ngoài, tiến vào những thị trường "khó tính" chưa bao giờ là dễ dàng.

Bên cạnh việc phải vượt qua hàng loạt các "hàng rào kỹ thuật" về mẫu mã, chất lượng, bao bì, dư lượng kháng sinh, chất bảo quản… thì hàng Việt còn phải cạnh tranh với các hàng hóa nội địa tại các thị trường trên bằng giá cả.

Giá cao nhưng sản lượng xuất đi ở những thị trường này lại không đáng kể. Sự thật đáng buồn qua lời một đại sứ ở EU, đó là, "nông sản của Việt Nam mới chiếm 1% trong tỷ trọng nhập khẩu nông sản của thị trường này, lại chỉ bán ở các tiệm tạp hóa gốc Á. Chưa bao giờ một cửa hàng tạp hóa Việt Nam đúng nghĩa được gọi đúng tên" (The SaiGonTimes, ngày 8/11).

Cho nên không quá lời khi nói, sẽ là ảo tưởng nếu nghĩ cứ hàng nông sản Việt xuất ngoại là sẽ đắt hàng, đắt khách.

Hàng nông sản Việt chủ yếu vẫn được xuất sang Trung Quốc. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu mặt hàng nông sản lớn nhất của Việt Nam với 4,3 tỷ USD, đó là chưa kể đi theo đường tiểu ngạch.

Và kể cả với thị trường vốn được cho là "dễ tính" hơn này, nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc cũng không còn dễ như trước - cảnh báo của ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương (Tiền Phong, ngày 20/9).

Theo ông Phú, nông dân Trung Quốc đang bắt đầu tăng diện tích trồng thanh long ruột đỏ, nhãn, xoài… Đây cũng là những sản phẩm được xem là chủ lực của Việt Nam. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc đang đầu tư trồng các loại cây nói trên tại Thái Lan, Campuchia, Lào… với chất lượng và mẫu mã đẹp.

"Trái cây Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất gay gắt với cả doanh nghiệp nội địa Trung Quốc. Sản phẩm của họ càng ngày càng được cải tiến chất lượng, hạ giá thành. Nếu sản xuất nông sản Việt vẫn duy trì thói quen manh mún, thiếu chuyên nghiệp, sẽ khó giữ được thị phần" - vị đại diện từ Bộ Công Thương bày tỏ lo ngại.

Từ đó mới thấy, việc nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt, cải thiện đời sống người nông dân vẫn là câu chuyện dài hơi. Để hàng Việt xuất đi thị trường nước ngoài trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn, không còn con đường nào khác là phải nâng cao chất lượng và mẫu mã.

Đồng thời, còn phải nâng cả tiêu chuẩn để tiêu thụ được trong nước, chứ không thể có chuyện người Việt lại cứ phải "giải cứu" hàng ế, hàng kém chất lượng của Việt Nam rồi lại bỏ giá cao để mua hàng nhập khẩu đắt đỏ! Chính bản thân nông dân Việt, người tiêu dùng Việt phải "khó tính" hơn với chính hàng hóa Việt. Chúng ta cứ châm chước cho nhau thì dù có muốn đột phá đến đâu cũng khó mà thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn!

Đương nhiên, cũng không thể bỏ qua vai trò định hướng, sự phối hợp của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao trong công tác quy hoạch sản xuất, tìm kiếm thị trường; không thể coi nhẹ vai trò dẫn dắt của những doanh nghiệp đầu ngành. Cần phải là một khối đoàn kết, không manh mún, phân mảnh ở bất cứ giai đoạn nào, từ đầu vào sản xuất đến đầu ra cho thành phẩm.

Chỉ khi có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà quản lý, người nông dân và cả sự "khó tính" của người tiêu dùng trong nước, nông sản Việt mới hết lép vế, nông dân Việt mới "lớn lên".