"Non cao cũng có đường trèo - Đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi"
(Dân trí) - Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, xin gửi tới đội ngũ doanh nhân cả nước sự tri ân và lời chúc mừng tốt đẹp nhất...
Đó là hai câu lục bát được Thủ tướng Phạm Minh Chính viết trong thư chúc mừng đội ngũ doanh nhân cả nước nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 bằng niềm tin "Với sự hội tụ của trí tuệ, tài năng, tầm nhìn, bản lĩnh, lòng nhân ái và tinh thần yêu nước, tôi luôn tin rằng, mỗi doanh nhân sẽ vượt qua khó khăn, góp phần đưa đất nước phát triển bền vững".
Nhìn từ lịch sử phong kiến, đã từng có thời kỳ dài tầng lớp doanh nhân không được coi trọng, chỉ được xếp cuối cùng trong "bảng xếp hạng "sĩ, nông, công, thương".
Thế nhưng ngay từ khi mới giành độc lập, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi giới Công Thương, có đoạn: "Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng".
Thực hiện lời căn dặn của Người, từ đó đến nay, giới doanh nhân đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thống nhất đất nước.
Từ sau Đổi mới, với sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân, theo đề nghị của Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp, ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13 tháng 10 là "Ngày doanh nhân Việt Nam". Từ đó, ngày 13.10 hàng năm trở thành ngày hội của doanh nhân cả nước.,
Đặc biệt là những năm gần đây, đội ngũ doanh nhân Việt Nam luôn được những người đứng đầu Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Vừa qua, TP Hà Nội đã đặt tên đường phố mang tên doanh nhân Trịnh Văn Bô để tri ân những đóng góp to lớn của gia đình ông với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa những ngày đầu độc lập.
Ngay trong lễ nhậm chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết "xây dựng chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp". Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục cam kết "lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Giảm dần tiến tới loại bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế".
Phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS 2020), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển.
Trong diễn văn nhậm chức Chủ tịch nước mới đây, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc lại một lần nữa khẳng định "Đảng và Nhà nước ta luôn sát cánh cùng Nhân dân để mùa màng thêm bội thu, để sản xuất, kinh doanh luôn thành công…".
Tiếp theo truyền thống đó, người kế nhiệm là Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng hết sức quan tâm đến đội ngũ doanh nhân, Trong diễn văn nhậm chức, Thủ tướng viết: "Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hơn nữa để sản xuất, kinh doanh phát triển".
Trong bức thư gửi doanh nhân nói trên, Thủ tướng viết: "Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, vươn xa hơn nữa và đang xây dựng Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Đồng thời, triển khai các biện pháp y tế một cách khoa học, an toàn, phù hợp, hiệu quả, nhất là Chiến lược vaccine, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền sẽ đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động nguồn lực, cải cách thủ tục hành chính… tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế".
Những việc làm trên cho thấy, quan tâm đến đội ngũ doanh nhân luôn là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và việc trong "tứ trụ" hai nhiệm kỳ vừa qua, có 2 vị là những chuyên gia về kinh tế là một minh chứng.
Nếu nhiệm kỳ trước là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì ở nhiệm kỳ này, là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều trưởng thành từ lĩnh vực kinh tế. Cùng đó, Thủ tướng đương nhiệm Phạm Minh Chính cũng là nhà kinh tế giỏi mà việc phát triển kinh tế của Quảng Ninh khi ông làm Bí thư là một minh chứng.
Năm nay, do tình hình dịch bệnh với những diễn biến phức tạp khiến nền kinh tế Việt Nam không được như mong đợi. Song, đây cũng là thời điểm "lửa thử vàng, gian nan thử sức". Trong gian khó càng thể hiện tài năng, nghị lực của đội ngũ doanh nhân nước nhà.
Nhất là từ khi hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đội ngũ doanh nhân không chỉ tập trung "giữ vững trận địa", chuẩn bị nhiều phương án cho sản xuất kinh doanh trong trạng thái "bình thường mới", họ còn đóng góp rất nhiều tiền của cho công cuộc phòng chống dịch bệnh
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, xin gửi tới đội ngũ doanh nhân cả nước sự tri ân và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Mong rằng đội ngũ doanh nhân nước nhà phát huy hết sức mạnh của mình như trong lời mở đầu thư chúc mừng vừa qua của Thủ tướng Phạm Minh Chính:
"Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay là thời khắc cả thế giới vẫn đang đối mặt với đại dịch Covid-19, tác động rất tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Trong hoàn cảnh như vậy, khí chất và truyền thống "Tâm - Tài - Trí - Tín" của doanh nhân Việt Nam luôn tỏa sáng. Đảng, Nhà nước, Nhân dân ghi nhận, tri ân và đánh giá cao trách nhiệm, vai trò và những đóng góp quan trọng của các doanh nhân cho đất nước, cho cộng đồng, cho xã hội trong thời gian qua".