“Hi sinh đời bố… nhường chỗ cho đời con!”

(Dân trí) - Trong khi chưa có một phướng án tối ưu, thỏa đáng cho mọi đối tượng thì đành “hi sinh đời bố… nhường chỗ cho đời con” vậy thôi chứ còn cách nào, phải không các bạn?

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp) Thế là một lần nữa, vấn đề tuổi nghỉ hưu lại được dư luận quan tâm và được đặt ra trên bàn nghị sự Quốc hội trong phiên thảo luận về Luật bảo hiểm.
 
Tại phiên họp trên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất 2 phương án về lộ trình tăng tuổi hưởng lương hưu, cụ thể:

Phương án 1, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với cả nam và nữ. Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng lao động còn lại cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với cả nam và nữ.

Phương án 2, từ năm 2016 trở đi, tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng lao động còn lại cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Lý do mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra là bởi những năm gần đây, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng cao đáng kể. Số người ở lứa tuổi 55 – 60 không còn được coi là người già và đặc biệt đó là nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm. Theo đánh giá của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), việc chi trả cho bảo hiểm xã hội và các chính sách khác hiện đang quá cao khiến quỹ lương hưu sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2020 và hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2029.

Tuy nhiên, đề xuất này đã gặp phải những quan điểm khác nhau.

Về phía ủng hộ, phần đông số này là những người lao động gián tiếp, có vị trí công tác ổn định, lương bổng khá tốt và nhiều người có vị thế xã hội.

Khát khao được cống hiến cộng với những lợi ích cá nhân là những yếu tố ít nhiều chi phối thái độ của họ.

Về phía những người không đồng tình, đa số là lao động chân tay hoặc những người làm các nghề độc hại, nguy hiểm. Những ý kiến này lập luận rằng tuổi 55 (với nữ) và 60 (với nam) như qui định hiện này là phù hợp và thậm chí, không ít người còn có nguyện vọng được nghỉ sớm hơn.

Tuy những năm gần đây, tuổi thọ có được nâng cao nhưng thực tế cho thấy thể lực người Việt Nam lại yếu. Phụ nữ ngoài 50, nam giới ngoài 55 tuổi đã có biểu hiện uể oải, giảm tính năng động. Trong khi đó người Việt Nam không phải chỉ đến 18 tuổi mới lao động mà phải tham gia làm việc từ trước đó nhiều năm...

Tóm lại là giờ đây đặt ra hai câu hỏi.

Nếu giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay, chúng ta có thể sẽ lãng phí một nguồn lao động có kinh nghiệm, còn sức khỏe và nguy cơ sẽ vỡ quỹ lương như ILO cảnh báo.

Nếu chúng ta nâng tuổi nghỉ hưu, sẽ vấp phải sự không đồng tình (chính đáng) của những người lao động trực tiếp và quan trọng hơn, đó là sẽ sự “chiếm chỗ” của thế hệ trẻ.

Hiện đang có một thế hệ trẻ nhiều năng lực, giàu nhiệt huyết và khát khao cống hiến. Nếu không được tạo cơ hội, họ sẽ chán nản, ngọn lửa đam mê sẽ dần tắt và về lâu dài, đó là bi kịch của một đất nước muốn phát triển.

Đó là chưa kể qui định này hoàn toàn có thể bị thói tham quyền cố vị, “đó rách ngáng chỗ” lợi dụng. Đã xuất hiện không ít trường hợp “cải lão hoàn đồng”, càng sống lâu càng… trẻ ra, tuổi nghỉ hưu thấp hơn nhiều so với tuổi thực.

Về quan điểm cá nhân, mình đề nghị chỉ giữ lại các nhà khoa học thật sự tài năng và nhiệt huyết, từng và sẽ có nhiều đóng góp cho xã hội.

Không còn cách nào khác, chúng ta không thể duy trì “ưu ái” cho những người lớn tuổi mà không quan tâm đến quyền lợi chính đáng của những người trẻ tuổi khi giờ đây mỗi năm, chúng ta có hàng vạn sinh viên ra trường trong đó nhiều và rất nhiều em không có hoặc chưa có việc làm. Hàng vạn thanh niên lớn lên luôn luôn nơm nớp một mối lo mang tên “thất nghiệp” và nhiều, rất nhiều cán bộ đang “chông chênh” giữa hai làn ranh của “trẻ đã qua, già chưa tới”.

Trong khi chưa có một phướng án tối ưu, thỏa đáng cho mọi đối tượng thì đành “hi sinh đời bố… nhường chỗ cho đời con” vậy thôi chứ còn cách nào, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!