Nói một đằng, làm một nẻo!

(Dân trí) - Không chỉ cho người khống chế, đánh đập… và lấy đi một số tài sản trên tàu cá của ngư dân Việt Nam, chính quyền phi pháp Tam Sa vừa qua còn ngang nhiên cấp giấy cư trú bất hợp pháp cho công dân Trung Quốc ở đảo Phú Lâm của Việt Nam. Đây là bước leo thang trắng trợn diễn ra ngay sau khi hai nước vừa có Tuyên bố chung khẳng định tình hữu nghị…

(Chiếc tàu bị đập phá gây hư hại)

(Chiếc tàu bị đập phá gây hư hại)

 

Vào sáng 7/7/2013, tàu Trung Quốc số hiệu 306 đã truy đuổi, uy hiếp 2 tàu cá QNg 96787 TS và QNg 90153 TS ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Họ cho người lên tàu khống chế, lục soát, đánh đập ngư dân, đập phá và lấy đi một số tài sản của ngư dân ta khi hai tàu này đang hoạt động nghề cá bình thường trên ngư trường truyền thống của Việt Nam.
 
Trước hành động côn đồ trên, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối và đòi bồi thường thiệt hại cho các ngư dân.

Thế nhưng trong ngày 17/3, tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng và coi đây là thủ phủ của thành phố trái phép Tam Sa) chính quyền Trung Quốc lại ngang nhiên tổ chức cấp 10 giấy chứng minh nhân dân và 68 giấy cư trú nhân khẩu lưu động cho công dân của họ.

Không dừng ở đó, người được gọi là Phó Thị trưởng của thành phố trái phép Tam Sa Phùng Văn Hải còn ngang ngược tuyên bố sau đợt cấp phát này sẽ đẩy nhanh tiến độ, từng bước tiến tới cấp phát cho các điểm dân cư khác trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Những hành động trên của Trung Quốc là cực kỳ vô lý nhưng lại không gây ngạc nhiên bởi như đã thành thông lệ, cứ mỗi khi các nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước gặp nhau với những lời lẽ tốt đẹp thì ở dưới, chính quyền địa phương Trung Quốc lại tìm cách gây hấn, tạo sự căng thẳng.

 

Cách đây không lâu, trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Việt Nam và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung khẳng định: “Hai bên đã nhìn lại quá trình phát triển quan hệ Việt-Trung, nhất trí cho rằng tình hữu nghị Việt-Trung là tài sản chung quý báu của nhân dân hai nước, khẳng định sẽ tuân theo các nhận thức chung quan trọng mà Lãnh đạo hai nước đã đạt được trong những năm qua về phát triển quan hệ hữu nghị Việt-Trung…”.

 

Hành động trên nói một đằng, dưới làm một nẻo này càng không ngạc nhiên nếu nhìn lại cách đây gần 2 năm, ngày 15/10/2011, trong chuyến thăm Trung Quốc của TBT Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ra Tuyên bố chung, trong đó có đoạn: “Trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp…”.

 

Thế nhưng gần 2 năm qua, hết vụ việc này đến vụ việc khác, phía Trung Quốc không ngừng gây hấn và từng bước leo thang nhằm độc chiếm biển Đông của Việt Nam.
 
Những việc làm trên cho thấy nói một đằng, làm một nẻo đã trở thành “kế sách” ngoại giao của Trung Quốc.
 
Thế nhưng chính điều này đã tạo nên một hình ảnh không đẹp, thậm chí là rất xấu về Trung Quốc.
 
Ngay trong Trung Quốc lục địa, nhiều trí thức chân chính đã lên tiếng phản đối dã tâm của chính quyền.
 
Theo kháo sát của Dự án Thái độ toàn cầu (Global Attitudes Project) thuộc Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) và Tập đoàn truyền thông BBC (Anh), trong gần một thập kỷ qua, thái độ của người dân châu Âu đối với Trung Quốc được liệt vào dạng tiêu cực nhất thế giới.
 
Gần đây, ngay cả ở châu Mỹ và châu Á cũng có thái độ như vậy.
 
Tại Mỹ, quan điểm tích cực của công chúng đối với Trung Quốc đã giảm từ mức 51% năm 2011 xuống 40% năm 2012. Trong khi đó tại Nhật Bản, con số này còn tệ hại hơn với mức giảm từ 34% năm 2011 xuống chỉ còn 15% năm 2012.
 
Theo dự đoán năm 2013, nếu không có bước chuyển biến tích cực, hình ảnh của Trung Quốc có thể còn xuống thấp hơn rất nhiều.
 
Và nếu vẫn duy trì chính sách ngoại giao nói một đằng, làm một nẻo, họ sẽ chỉ “thêm thù bớt bạn” bởi không ai muốn giao lưu với những người như vậy.
 
Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!