Những người "siêu giàu" ở quanh ta
(Dân trí) - Vấn đề là pháp luật về thuế và năng lực của cơ quan quản lý cần đi kịp với thực tế, chứ không phải là "không quản được thì cấm".
Năm hết tết đến, những thông tin về hoạt động nộp thuế của một số cá nhân nổi bật được phía cơ quan thuế đưa ra thu hút đông đảo sự quan tâm của độc giả. Bởi đằng sau câu chuyện thuế phí cũng lộ diện những khoản thu nhập cực "khủng" của người nộp thuế.
Theo thông tin của Chi cục Thuế Quận Cầu Giấy, một cô gái sinh năm 1992 tại Hà Nội mới đây đã nộp các nghĩa vụ thuế lên tới 23 tỷ đồng trong năm 2020, tương ứng với thu nhập trong năm đạt hơn 330 tỷ đồng. Một con số khó tin với hầu hết người dân còn với một cô gái trẻ ở thế hệ 9X càng gây choáng váng, nể phục!
Kế đến, ngày 26/1, Chi cục Thuế quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) xác nhận vừa truy thu tiền thuế một cá nhân số tiền 25,3 tỷ đồng vì người này có thu nhập hơn 281 tỷ đồng từ nguồn quảng cáo trên mạng.
Ông D. được cho biết là chủ trang web cung cấp phần mềm giải trí nói trên. Trang web của ông này có nhiều ngôn ngữ và nhắm tới người dùng trên facebook ở các nước. Sau khi đăng nhập vào web, người dùng trên khắp thế giới chỉ cần chơi, chia sẻ mà không trả phí.
Vậy mới thấy người "giàu chìm" ở ta còn rất nhiều. Điểm chung là những cá nhân này đều hoạt động ở những mảng kinh doanh rất mới mẻ với số đông người Việt, liên quan đến công nghệ thông tin.
Ở trong một "thế giới phẳng" hiện nay với cách tiếp cận cơ hội việc làm "xuyên quốc gia", "đa quốc gia" trở nên thuận lợi và dễ dàng. Môi trường internet trở thành một "mỏ vàng" để những cá nhân có năng lực có thể khai thác và làm giàu chính đáng.
Việc thu được thuế ở những cá nhân này, ngoài dựa vào ý thức của người nộp thuế còn có yếu tố quan trọng nằm ở khả năng phát hiện dòng tiền của cơ quan chức năng, phụ thuộc vào công tác lấp chỗ hổng về thuế trong quy định luật pháp.
Thực tế cho thấy, ngoài những cá nhân nhận được nguồn thu nhập do các tổ chức, doanh nghiệp ở nước ngoài chi trả (ví dụ Google, Facebook…) thì xã hội vẫn còn nhiều nguồn thu nhập "khủng" khác, song lại chưa đóng thuế theo đúng nghĩa vụ.
Phổ biến nhất hiện nay là bán hàng trực tuyến (online). Từ chỗ là một công việc "làm thêm" thì nguồn lợi đến từ mảng này đã kéo được rất nhiều nhân lực tham gia, coi như công việc chính. Chỉ cần mở tài khoản mạng xã hội ra là có thể thấy hoạt động livestream, buôn bán hàng hóa rầm rộ.
Cá nhân người viết cho rằng, bất cứ nền tảng, môi trường nào tạo công ăn việc làm chính đáng và mang lại thu nhập cho người dân đều cần được ghi nhận, được ủng hộ và khuyến khích. Đương nhiên, những hoạt động này không phải là chỗ ẩn náu cho buôn lậu, kinh doanh hàng cấm hay lừa đảo hoặc trốn thuế.
Vấn đề là pháp luật về thuế và năng lực của cơ quan quản lý cần đi kịp với thực tế, chứ không phải là "không quản được thì cấm".
Bên cạnh đó, cần có những biện pháp tuyên truyền và giáo dục để mỗi người dân đều thấy rằng việc nộp thuế là nghĩa vụ và cũng là "vinh dự". Mỗi đồng thuế đều sẽ được sử dụng hợp lý và mang lại lợi ích cho xã hội, phục vụ cho cộng đồng, trong đó có bản thân người nộp thuế.
Ở một góc độ khác, người viết thầm nghĩ rằng, khi biết có những công việc mới mẻ mang lại thu nhập khổng lồ như vậy, có lẽ các bậc phụ huynh cũng sẽ suy nghĩ lại về công tác hướng nghiệp cho con cái. Có năng lực, cứ phải cố "chạy" vào làm công chức Nhà nước làm gì?! Thế giới rộng lớn, hãy cứ để con trẻ "tung cánh", phát triển theo đúng năng lực và sở thích.