Những cơn “cảm mạo thời tiết” định kỳ của di tích
(Dân trí) - Bao giờ cũng vậy, hễ việc trùng tu di tích xảy ra là ngay lập tức có phản ứng của dư luận. Chỉ tính ở Hà Nội thôi, trước đây là các vụ trùng tu Tháp Rùa hồ Gươm, Ô Quan Chưởng và bây giờ là di tích Đoan Môn trong di sản Hoàng thành Thăng Long và Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Không chỉ những trường hợp các cơ quan chịu trách nhiệm cẩu thả, thiếu ý thức mà cả những trường hợp có thận trọng, cân nhắc kỹ càng thì phản ứng vẫn cứ xảy ra và thông thường là sau một thời gian, dư luận sẽ quen với thực trạng mới của di tích dù nó có thế nào. Và thế là, như một người bị cảm mạo thời tiết tuy không phải nằm viện nhưng vẫn bị sụt sùi mấy hôm, di tích thân thuộc bỗng trở nên xa lạ trong mắt du khách và người dân cho đến khi họ dần quen.
Di tích là ký ức và thông điệp của lịch sử, là chứng nhân của quá khứ, là sự hiện diện của thời gian. Và vì nó là di sản từ quá khứ nên diện mạo của nó luôn cần phải được giữ gìn, bảo lưu, không được phép thay đổi. Ai cũng hiểu và mong muốn thấy điều đó. Tuy nhiên, để di tích không bị xuống cấp trước thời gian và mưa nắng thì công việc trùng tu lại là một việc làm bình thường của nghiệp vụ bảo tồn di tích. Vấn đề nảy sinh từ đây. Tranh luận, chỉ trích, phản đối, đồng tình… và thường là không có hồi kết. Mâu thuẫn trong nhìn nhận, đánh giá diễn ra ngay cả giữa các nhà chuyên môn với nhau.
Ai đó có chút mỉa mai “rêu mốc không phải là lịch sử”, tất nhiên, nhưng trong ý nghĩa tượng trưng của nó, nét rêu phong làm nên sự cổ kính, trầm mặc, tạo ra ấn tượng, cảm xúc về một “khoảng cách sử thi” đối với người đương thời và vì thế nó là một thành tố góp vào giá trị. Cũng chính vì lẽ đó, nếu thực sự quan tâm đến diện mạo của di tích, đến tình cảm, cảm xúc, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, những người chủ thực sự của di tích, thì ngoài việc dùng lại vật liệu cũ như những người có trách nhiệm đã cho biết, việc nghiên cứu, tìm cách tái tạo nên nét cổ kính rêu phong khi trùng tu quét vôi lại di tích là điều rất cần thiết.
Một người bạn nói với tôi rằng anh không phản đối việc trùng tu, anh chỉ muốn đặt một câu hỏi. Tại sao người ta có thể tạo ra được màu sắc và vân gỗ trên những viên gạch lát sàn hay trên những chiếc cột xi măng để đem lại cảm giác về một cái sàn gỗ; một cây cột gỗ… mà những cơ quan được giao trọng trách quản lý di tích hay những “cơ quan có chuyên môn” bao nhiêu năm lại không tìm cách tạo ra những vết rêu phong, “màu thời gian” trên các bức tường mà chịu chấp nhận bó tay, chỉ làm mỗi việc sơn phết một màu phẳng lỳ lạc lõng lên di tích như vậy? Nếu làm được việc này thì việc sơn lại di tích có thể diễn ra thậm chí hằng năm mà không sợ gặp phản ứng.
Vấn đề đặt ra là dư luận thiếu hiểu biết, thiếu cảm thông, cho mình cái quyền phán xét và đòi hỏi những điều không khả thi hay cơ quan trùng tu tùy tiện, lười biếng, thiếu nỗ lực?
Rõ ràng để di tích không bị hư hỏng, xuống cấp thì cần phải sửa chữa, trùng tu. Mà đã sửa chữa, trùng tu thì đương nhiên sẽ có thay đổi. Mọi sự thay đổi dù lớn nhỏ, đều ảnh hưởng đến hình ảnh quen thuộc của di tích trong mắt mọi người. Tranh luận cuối cùng cũng chỉ là để tìm ra cách làm sao cho vừa bảo vệ được di tích, vừa bảo lưu được cao nhất giá trị lịch sử của nó.
Trong khi những câu trả lời đến từ nhiều phía, chúng ta phải chấp nhận những “cơn cảm mạo thời tiết” có tính định kỳ của di tích thôi, vì đó là điều không tránh khỏi. Rồi thời gian sẽ lại phủ màu lên nước sơn mới và di tích sẽ “lấy lại được phong độ” bằng chính sức sống vốn có của nó.
Cát Thụy