Người tốt, chúng ta tưởng ít nhưng không phải, bởi đa số họ "tốt thầm lặng"
(Dân trí) - Với nhiều người có chút bi quan trong cuộc sống, đôi khi người ta hay nói: Sao ngày nay còn ít người tốt quá vậy?, tìm đâu ra những người tốt bây giờ?... Nhưng thực tế không phải vậy.
Với nhiều người không mấy lạc quan về những câu chuyện người tốt, chắc rằng, họ có thể thay đổi quan điểm ít nhiều nếu đọc hết thông tin 400 "gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" trong chuỗi sự kiện tuyên dương do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức trong 2 ngày 27-28/11 vừa qua.
Chỉ một sự kiện như vậy đã cho chúng ta biết, xã hội ta còn có rất, rất nhiều người tốt, ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào. Dường như cứ xuất hiện những khó khăn, là có những người tốt giúp đỡ những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn: Mất nhà cửa, mất cha mẹ, mất chỗ dựa, lang thang, cơ nhỡ... Và điều đó, chắc chắn khiến chúng ta ấm lòng hơn rất nhiều.
Có lẽ đây là lần đầu tiên, chúng ta thấy có rất nhiều những "người hùng thầm lặng" trong đời thường như vậy. Mặc dù, có những người làm những việc thiện nguyện, chính họ cũng gặp nhiều khó khăn rất lớn như câu chuyện chị Đoàn Thị Khuyên 17 năm tham gia vào chương trình hỗ trợ giúp đỡ người nhiễm HIV vươn lên tại cộng đồng. Trong lần xét nghiệm cách đây 17 năm, bác sĩ xác định cả gia đình chị đều bị nhiễm HIV. Khi đó, cộng đồng chưa hiểu biết nhiều về HIV nên gia đình chị bị kỳ thị rất nhiều.
Trong những "gương sáng thầm lặng" được công bố tuần qua, chúng ta còn biết sư cô Tuệ Tánh (40 tuổi, tỉnh Kiên Giang), thuộc Trung tâm từ thiện xã hội Phật Quang - nơi đang nuôi dạy 90 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều trường hợp bị khuyết tật bẩm sinh, bại não. Trung tâm chỉ có 14 người tham gia làm việc, chăm sóc các em nhỏ, tuy nhiên mọi người đều cố gắng hết sức, để các em nhỏ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trong quân đội, chúng ta thấy có Trung úy Nguyễn Trung Hải (SN 1983, người dân tộc Tày) - nhân viên quân sự địa phương Ban Chỉ huy quân sự huyện Cư M'gar Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk suốt 5 năm qua đã làm cầu nối giữa báo chí, mạng xã hội với các nhà hảo tâm giúp đỡ cho hơn 300 gia đình có hoàn cảnh éo le, mắc bệnh hiểm nghèo vươn lên trong cuộc sống, với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Trong đó, các bên cùng chung tay xây được 12 căn nhà tình thương, tặng giống cây trồng, vật nuôi cho các hoàn cảnh vươn lên thoát nghèo…
Tại các cơ sở bảo trợ xã hội cũng có rất nhiều gương sáng như vậy. Ví dụ như bà Nguyễn Thị Hồng (52 tuổi, tỉnh Đồng Nai) chủ cơ sở trợ giúp xã hội Hòa Hảo hiện đang giúp đỡ và là nơi cưu mang 76 người già neo đơn, từ khắp các địa phương trong tỉnh...
Không thể kể hết nổi danh tính những "người hùng thầm lặng" đó trong một bài báo. Mỗi người trong số họ đều là "những câu chuyện cổ tích" trong đời thường- như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá trong buổi gặp mặt với 50 đại biểu đại diện cho 400 tấm gương sáng "thầm lặng vì cộng đồng" ấy vào chiều 27/11 tuần qua.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng đã nói rằng, những đóng góp của các tấm gương thầm lặng đã làm bớt đi những hoàn cảnh éo le, khó khăn và góp vào bức tranh tươi sáng của xã hội.
Vậy tại sao trong những năm qua, chúng ta ít được biết đến họ như vậy? Có lẽ không chỉ bởi vì tấm gương của những người tốt ấy chưa thực sự được truyền thông nhiều trong xã hội mà còn bởi chính họ, luôn cố gắng làm điều tốt cho người khác, trong thầm lặng, không muốn khoa trương, thậm chí có nhiều người còn không muốn người khác biết đến.
Tất nhiên, đó cũng là một điều rất đáng quý khác ở họ, nhưng chúng ta cũng rất cần được biết và thật xúc động khi chúng ta đã được biết đến nhiều hơn qua sự kiện tri ân, biểu dương họ cuối tuần qua. Nhờ đó, chúng ta biết rằng, xã hội ta còn rất nhiều người tốt, rất tốt với người khác, với cộng đồng. Và càng xúc động hơn khi sau đây, nhiều người trong số họ vẫn tiếp tục những công việc ấy- giúp đời, giúp người đầy nhiệt thành nhưng hoàn toàn tự nhiên, thầm lặng trong cuộc sống thường ngày của họ.