Nghĩ về học bổng 6,5 tỉ đồng và tương lai của cô gái miền sơn cước!
(Dân trí) - Một khi mà cái công thức 4 ệ được xếp theo thứ tự thứ nhất “hậu duệ”, thứ nhì “quan hệ”, thứ ba “tiền tệ” để rồi cuối cùng mới đến “trí tuệ” thì liệu có chỗ cho các tài năng? Rồi chuyện “trên trải thảm, dưới trải đinh”, “chim chưa đậu đã nhậu mất chim” và muôn vàn những khó khăn khác nữa.
Một thông tin không chỉ làm ấm lòng người dân Lào Cai mà còn nức lòng các bạn trẻ cả nước. Đó là cô gái 18 tuổi Nguyễn Lê Hoài Anh trở thành người đầu tiên của miền đất biên cương này được nhận học bổng toàn phần 6,5 tỷ đồng từ Stanford, một trường đại học sàng lọc ứng viên “nghiệt ngã” nhất nước Mỹ.
Ngay lập tức, cô đã được UBND tỉnh vinh danh, được Bí thư Tỉnh ủy gửi thư khen, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen và phần thưởng đột xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai.
Tâm sự với báo chí, Hoài Anh kể: “Em nộp hồ sơ vào Stanford không mong gì hơn là lấy thư từ chối để làm kỉ niệm, để làm bằng chứng là ít nhất mình cũng đã cố gắng hết sức, cũng dám nộp đến Stanford”.
Tuy nhiên, nhìn vào bảng thành tích của Nguyễn Lê Hoài Anh thì việc em có phần thưởng này không lạ. Bởi ngoài Học bổng toàn phần ĐH Stanford trị giá 288.000 USD (tương đương 6,5 tỷ đồng) cho 4 năm nói trên, Hoài Anh từng là một trong năm đại diện Việt Nam tham dự Chương trình Thủ lĩnh Thanh niên Đông Nam Á – Southest Asia Youth Leadership Program (SEAYLP) tại Hoa Kì năm 2015; một trong bốn đại diện Việt Nam tham dự Đối thoại Giáo dục Đông Nam Á tại Thượng Hải và Giang Tô, Trung Quốc.
Về giải thưởng, em từng đoạt Giải Nhì Học sinh Giỏi Quốc gia môn Tiếng Anh, Huy chương Vàng Olympic Tiếng Anh qua Internet cấp Quốc gia (Top 10 điểm cao nhất), Huy chương Bạc Tài năng tiếng Anh cấp quốc gia, Huy chương Bạc trại hè Hùng Vương, Huy chương Đồng Hội thi học sinh giỏi các tỉnh duyên hải và đồng bằng Bắc bộ.
Về hoạt động cộng đồng, Hoài Anh là người sáng lập Dự án cung cấp áo ấm cho trẻ em vùng cao (Warmth) đồng thời cũng là người sáng lập Dự án phát triền túi giấy bảo vệ môi trường (Hand in Hand project).
Xin được chia vui với thiếu nữ miền sơn cước Nguyễn Lê Hoài Anh, chia vui với miền đất biên cương Lào Cai, “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”...
Song, trong niềm vui lại không khỏi chút ngậm ngùi. Không biết sau 4 năm du học, em có trở lại làm việc ở quê hương hay lại “cá nước, chim trời” như 12/13 chủ nhân của vòng nguyệt quế trong cuộc thi Olympia?
Đành rằng khoa học là không biên giới. Đành rằng khoa học là phục vụ nhân loại. Đành rằng và đành rằng… nhưng vẫn cứ mong muốn những cánh chim bay đi bốn phương trời thâu lượm kiến thức để trở về góp phần xây dựng quê hương.
Mong đấy nhưng rồi lại lo đấy bởi nếu như các em trở về, khoan bàn đến đãi ngộ vật chất, chỉ môi trường làm việc thôi đã khó cho các em nhiều lắm. Tài năng chắc gì đã được trọng dụng? Giỏi chắc gì đã được làm đúng chuyên môn của mình? Rồi liệu có bị con số “30% sáng cắp ô đi, tối cắp ô” về ghen ghét hoặc làm cho tha hóa? Rồi chuyện 4 C (con cháu các cụ) cũng nhiều lắm những trở ngại, gian nan.
Một khi mà cái công thức 4 ệ được xếp theo thứ tự thứ nhất “hậu duệ”, thứ nhì “quan hệ”, thứ ba “tiền tệ” để rồi cuối cùng mới đến “trí tuệ” thì liệu có chỗ cho các tài năng? Rồi chuyện “trên trải thảm, dưới trải đinh”, “chim chưa đậu đã nhậu mất chim” và muôn vàn những khó khăn khác nữa.
Mong lắm quê hương không chỉ là “chùm khế ngọt” mà còn là mảnh đất lành để đón những cánh chim…
Bùi Hoàng Tám