Nghĩ về “Góc nhìn “thật” từ người trong cuộc”

(Dân trí) - Mình cho rằng sự tự ti, mặc cảm hay “tự chê” không phải là điều hay nhưng sẽ nguy hiểm hơn nếu như luôn ảo tưởng, u mê, tự huyễn hoặc mình trong cơn “tự sướng”. Mình không tin người Việt Nam ta dốt nhất thế giới và càng không tin chúng ta giỏi nhất thế giới.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Người Việt giỏi toán hay ít nhất là có năng lực và tiềm năng học toán không chỉ là một định kiến mà còn là một sự huyễn hoặc nguy hiểm.

Đó là nhận xét của tác giả Nguyễn Tuấn Hải được đăng trên Vietnam Net, bài “Người Việt giỏi toán: Góc nhìn “thật” từ người trong cuộc”.

Nói là người trong cuộc bởi Nguyễn Tuấn Hải từng là học sinh giỏi Toán quốc gia, tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế Hà Nội, Wooddrow Wilson School of Public and International Affairs,Đại học Princeton Hoa Kỳ; giảng dạy tiếng Anh và toán tiếng Anh. Nhà sáng lập và giám đốc chiến lược giáo dục Eton Grammar School.

Trong bài báo trên, anh Hải kể lại rằng trong các cuộc tiếp xúc với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, “chúng tôi đã không ngần ngại hỏi họ nhận định thế nào về vị trí của Việt Nam trên bản đồ khoa học và toán học của thế giới và đây là đánh giá của họ: Về khoa học chúng ta là số 0 tròn trĩnh. Về toán học chúng ta là một chấm rất nhỏ”.

Đối với kỳ thi Toán quốc tế IMO, Nguyễn Tuấn Hải nhận xét đây chỉ là một cuộc chơi vui vẻ, theo tiêu chí vui là chính và “hoàn toàn không coi đây là sứ mạng mang về vinh dự quốc gia hay giúp nước đó khẳng định vị thế của họ trên bản đồ toán học thế giới. Sẽ thật là sai lầm nếu qua một cái game dành cho học sinh như vậy mà khẳng định Việt Nam là một cường quốc toán học hay phấn đấu trở thành cường quốc toán học như lời phát biểu của một cựu bộ trưởng”.

Về phương pháp tuyển chọn và đào tạo, Nguyễn Tuấn Hải cũng cho rằng hệ thống tuyển chọn chuyên toán trên toàn quốc hiện nay là “luyện gà nòi và gà chọi suốt phổ thông để phục vụ cho cái đích cuối cùng là IMO”.

Những ý kiến trên đã nhận được sự phản hồi của đông đảo bạn đọc. Rất nhiều bạn đồng tình với quan điểm của tác giả.

Bạn ha22.nguyen12@gmail.com nhận xét: “Bài báo này như một viên thuốc đắng cho một nền giáo dục ưa ngọt của Việt Nam. Nhưng sự thật vẫn là sự thật! Nếu không có những viên thuốc đắng như vậy chúng ta đến khi nào mới thức tỉnh, đến khi nào mới thoát ra khỏ tình trạng u mê?!”

Bạn Le Minh eminh123@gmail.com viết: “Bài viết rất hay không chỉ phản ánh thực trạng học môn toán, thi môn toán ở nước ta mà còn nói lên thực trạng của việc đào tạo học sinh giỏi, thi học sinh giỏi, các trường chuyên ở nước ta hiện nay… Chúng ta đang tự làm hư các thế hệ trẻ của chúng ta bằng sự huyễn hoặc là chúng ta rất giỏi”.

Một “người trong cuộc” là bạn trantheson@outlook.com thì viết: “Sau những năm làm nghiên cứu sinh, tham gia nghiên cứu và giảng dạy ở nước ngoài, tôi cũng có những nhận định tương tự. Cảm ơn tác giả đã nói giùm tôi những suy nghĩ của mình về hiện tượng "giỏi toán" của người Việt. Hệ thống trường chuyên lớp chọn có thể tìm thấy một Ngô Bảo Châu giỏi toán, đam mê toán, nhưng để có một Ngô Bảo Châu với giải thưởng Fields danh giá thì hệ thống giáo dục của chúng ta không làm được”.

Song, bạn Võ Chí Dũng - vochidungdung@yahoo.com lại cho rằng: “Chúng ta xuất phát điểm sau rất lâu nhưng vẫn tự hào chỉ có Ngô Bảo Châu chứng minh định lí Fecma chuẩn nhất thế giới. Không phải tôi bảo thủ nhưng không thể phủ nhận thành tích của các em trong đội tuyển quốc gia vì điều kiện học hành chúng ta không thể bằng các nước nhưng vẫn có thành tích như vậy là điều rất đáng nể phục”.

Về quan điểm cá nhân, mình cho rằng sự tự ti, mặc cảm hay “tự chê” không phải là điều hay nhưng sẽ nguy hiểm hơn nếu như luôn ảo tưởng, u mê, tự huyễn hoặc mình trong cơn “tự sướng”.

Mình không tin người Việt Nam ta dốt nhất thế giới và càng không tin chúng ta giỏi nhất thế giới.

Nên cái khó nhất của mỗi con người cũng như của mỗi quốc gia là “phải biết mình là ai” chứ không phải “biết tao là ai không”.

Có điều, mình trăn trở nhiều với ý kiến của tác giả rằng hiện tại, về khoa học chúng ta chỉ là con số không (0) tròn trĩnh và về toán học, chúng ta là một chấm rất nhỏ.

Vấn đề là làm thế nào để cái “số không” thành “cái chấm nhỏ” và “cái chấm nhỏ” trở thành cái chấm to là câu hỏi không chỉ dành cho ngành giáo dục nhưng lại không ai khác ngoài trách nhiệm của ngành giáo dục, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!