Nghĩ khác đi về “văn hoá vâng lời”

(Dân trí) - “Ở Việt Nam, văn hóa là trẻ nhỏ được dạy rất vâng lời”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói như vậy trong một phiên thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ngày 13/9.

Nghĩ khác đi về “văn hoá vâng lời” - 1

Tuy nhiên, theo ông, thực tế này sẽ cần phải thay đổi: “Tôi nghĩ phải đổi mới, phải đổi mới mạnh mẽ cách học từ bé xíu cho tới người già.” Theo đó, “các em thay vì học thụ động, thay vì chỉ biết vâng lời, còn phải biết hỏi lại”.

Những phát ngôn rất đáng chú ý đó từ một lãnh đạo Chính phủ khiến người viết cảm thấy thực sự phấn chấn và đầy hy vọng. Bởi rằng, không phải chúng ta không nhận ra những bất cập của cách thức giáo dục rập khuôn, cứng nhắc nhưng dường như vẫn chưa thể “bứt” ra được thói quen cũ.

Dẫu rằng, tình trạng “thầy đọc – trò chép” đã không còn phổ biến như trước, song rõ ràng, trong thực tế trẻ em ở ta vẫn chưa thực sự có được một môi trường phản biện và đề cao tính tự lập, độc lập trong tư duy.

Học sinh làm văn tả cây, tả người không đúng theo chuẩn mẫu liền bị cô giáo cho điểm kém. Mỗi một năm mới sang, câu chúc cửa miệng của người lớn đối với trẻ con là “biết ngoan ngoãn, vâng lời thầy cô, lễ phép với ông bà, bố mẹ”. Một đứa trẻ ngoan trước hết phải “không cãi lời người lớn”, “gọi dạ, bảo vâng”… Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về sau và đương nhiên quyết định đến ý thức xã hội của nhiều thế hệ.

Nếu mặc nhiên áp đặt trẻ luôn phải biết nghe lời một chiều và thụ động thì trẻ sẽ không có cơ hội để bày tỏ chính kiến, không có thái độ rõ ràng trước đúng-sai, phải-trái; trẻ cũng không coi việc tìm hiểu kiến thức là một quá trình đầy chủ động và say mê.

Khi trẻ bày tỏ ý kiến, thái độ của mình mà lập tức bị gạt đi, bị cho là “cãi lời”, “trái ý” thì rất khó để mong trẻ phát triển toàn diện, và đây chắc chắn không thể là cách giáo dục đúng đắn. Nên nhớ, thầy cô và người lớn chỉ hướng dẫn, hãy hướng dẫn sao cho khéo và cho hiệu quả nhất, chứ không thể đòi hỏi mọi đứa trẻ đều giống nhau và đúng ý mình. Khi trẻ không được tôn trọng thì sẽ khó đòi hỏi trẻ học được cách tôn trọng người khác.

Trong buổi đối thoại với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ông Haoliang Xu - người phụ trách Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương cũng cho rằng: Các bậc phụ huynh ngày nay cần có tư duy mới, tư duy mở hơn để thúc đẩy tư duy con cái, áp dụng khoa học công nghệ và các kỹ năng mềm.

“Một đôi giày chỉ có thể dùng cho một người chứ không thể dùng chung cho nhiều bàn chân. Mỗi người đều có những đặc điểm riêng, mỗi quốc gia có những khác biệt chứ không cùng mặt bằng, không phát triển đồng đều”.

Nghĩ về cách giáo dục hiện tại và quan điểm xã hội về sự “ngoan”, tôi cứ nghĩ mãi, liệu đây có phải là nguyên nhân tạo ra “văn hoá im lặng” và “nghe lời” của rất nhiều người lớn và mặt khác, cũng là nguyên nhân khiến văn hoá phản biện và bày tỏ ý kiến không được chú trọng. Trong nhiều trường hợp, họ thừa thãi sự vâng lời nhưng lại thiếu đi sự tôn trọng và cảm thông với người khác.

Không vâng lời không hẳn là hư, là xấu. Nhưng cũng cần lưu ý, đừng vì thế mà khuyến khích trẻ cãi lời người lớn và chống đối các quy tắc và luật lệ. Trong mọi trường hợp, hãy “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”. Bởi điều quan trọng không phải là “vâng lời” mà là “tôn trọng điều đúng đắn, làm theo lẽ phải”.

Bích Diệp