Nếu trên hành xử "dưới nóng, trên lạnh" thế này, chắc dưới nhiều “tâm tư” lắm!
(Dân trí) - Đã một năm rưỡi trôi qua, việc xử lý và dư âm của vụ gian lận thi cử tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang chưa đi đến hồi kết. Vẫn đang tiếp tục có những cán bộ bị xử lý và dư luận vẫn chưa nguôi bức xúc.
Công bằng nhìn nhận, dù việc xử lý chưa được như bản chất sự việc, thậm chí, vẫn có thể còn “lọt người, lọt tội”, song đã thấy sự kiên quyết xuất hiện tại các địa phương.
Hàng loạt thầy cô giáo, các cán bộ trực tiếp liên quan sa vòng lao lý. Nhiều cán bộ, viên chức, công chức là phụ huynh bị kỉ luật với các hình thức khác nhau. Hàng loạt lãnh đạo các địa phương vi phạm bị kỉ luật trong đó, nhiều Phó Chủ tịch tỉnh bị kỉ luật cả về chính quyền và Đảng. Trong số các Giám đốc sở, có người bị cách chức, bị khai trừ khỏi Đảng...
Tại họp báo thường kỳ Chính phủ vào chiều 2/12, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an còn cho biết sẽ tiếp tục mở rộng điều tra cả các năm trước đây.
"Bộ đã điều tra vụ gian lận thi cử THPT quốc gia 2018 thì không có lý do gì không tiếp tục điều tra năm 2017, thậm chí cả năm 2016, 2015". Ông Xô nói.
Đây là nỗi đau, là tổn thất rất lớn không chỉ của ngành giáo dục.
Tuy nhiên cho đến nay, các cán bộ liên quan ở Bộ Giáo dục và Đào tạo hình như vẫn “bình chân như vại” dù không thể nói họ “vô can” trong vụ việc này.
Cách đây mấy tháng, cố Thứ trưởng Lê Hải An đã từng ký quyết định thành lập hội đồng kỷ luật để xem xét với 13 cán bộ chủ chốt liên quan.
Tuy nhiên, khi quyết định chưa ráo mực đã bị thu hồi với lý do các văn bản này chưa đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý. Theo giải thích từ Bộ GD&ĐT, các văn bản xem xét kỷ luật được Bộ GD&ĐT xếp vào loại "văn bản nội bộ chưa thực hiện" nên khi thấy chưa hợp lý, Bộ cho thu hồi.
Từ đó đến nay, hình như chưa thấy Bộ GD&ĐT cho biết tiến trình kiểm điểm các cá nhân liên quan tiếp theo. Trong khi, ở phần mô tả "hành vi sai phạm" được đính kèm theo thông báo xem xét kỷ luật ban hành ngày 21-8 nói trên nêu rõ:
"Trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc để xảy ra những thiếu sót trong tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản và chỉ đạo tổ chức kỳ thi, công tác tập huấn, quán triệt quy chế thi".
Trong số các cán bộ nằm trong danh sách trên có một số lãnh đạo đứng đầu vụ, cục bị "xem xét" với lý do "trách nhiệm của người đứng đầu" mà người đầu tiên trong danh sách là ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT.
Các ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra, Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục CNTT, Sái Công Hồng - Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Hà Xuân Thành - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Khảo thí quốc gia, Cục Quản lý chất lượng, Tống Duy Hiến - Phó chánh thanh tra, bà Lê Thị Kim Dung - vụ trưởng Vụ Pháp chế… là những đơn vị đã tham mưu, tư vấn xây dựng quy chế thi, thanh tra thi, tổ chức thi.
Theo tôi, vệc xem xét kỉ luật các cá nhân trên theo quyết định do cố Thứ trưởng Lê Hải An ký là chính xác bởi nói gì thì nói, không thể không có trách nhiệm của các vị nói trên.
Tiếc thay, vụ việc đang có vẻ “chìm xuồng” và điều này là chưa công bằng bởi các cán bộ liên quan ở địa phương bị kỉ luật với những hình thức không hề nhẹ, chẳng lẽ các quan chức trên bộ lại “vô can”, chẳng ai làm sao cả?
Xin chia sẻ với tâm sự trên báo Lao động của ông Bùi Trọng Đắc, người vừa bị kỷ luật cách chức Giám đốc sở GD&ĐT Hòa Bình do đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát nói:
"Tôi rất buồn khi để xảy ra sự việc. Là người đứng đầu, tôi xin chịu trách nhiệm cũng như xin lỗi về vấn đề này".
Nếu Bộ hành xử như thế này, có thể không muốn nói ra nhưng chắc dưới cơ sở, anh em “tâm tư” lắm vì cảm thấy mình bị đối xử thiếu công bằng!
Cho nên việc xử lý nghiêm cán bộ của Bộ không chỉ là giữ kỉ cương, phép nước mà còn tránh sự bất công ngay ở trong ngành.
Trong khi biểu hiện chung hiện nay là “trên nóng, dưới lạnh” thì ở Bộ GD&ĐT lại “dưới nóng, trên lạnh”? Lạ!
Bùi Hoàng Tám