"Nếu không giám sát thì coi như ta chỉ viết văn thôi"
(Dân trí) - Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ QH ngày 18/4, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Quốc hội Ksor Phước nói một câu rất hay: “Chính kết quả giám sát thể hiện Quốc hội đang còn sống. Nếu không giám sát thì coi như ta chỉ viết văn thôi”.
(Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Quốc hội Ksor Phước)
Thật ra, câu nói này về nội dung không mới. Ngay điều đầu tiên của Luật Tổ chức Quốc hội đã ghi rõ 03 chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội là lập hiến và lập pháp; Quyết định những vấn đề trọng đại như đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước…. và quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Song, câu nói ấn tượng ở chỗ bác Ksor Phước nói thẳng ra là nếu không giám sát thì Quốc hội… không còn sống.
Đặc biệt, bác Ksor Phước còn có sự so sánh đầy ấn tượng giữa công việc của các đại biểu Quốc hội với công việc của… nhà văn!
Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng giả sử nếu như không thực hiện quyền giám sát, các đại biểu có trở thành nhà văn không nhỉ? Có lẽ không chắc dù nhiều đại biểu Quốc hội nước mình đã và có thể sẽ là nhà văn, nhà thơ.
Song, nếu điều đó xảy ra thì sẽ thế nào?
Tất nhiên là Hiến pháp không thể viết như… viết văn!
Vả lại, tư duy văn chương là tư duy tưởng tượng, nó là khát vọng của nhà văn. Còn tư duy nghị sĩ là tư duy chính xác và không phải khát vọng mà là 101% những đòi hỏi của hiện thực cuộc sống.
Song, câu nói của vị Chủ tịch Hội đồng Dân tộc không thể không đặt ra một câu hỏi về thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội.
Nói rằng Quốc hội không giám sát thì không chính xác nhưng càng không chính xác hơn, nếu nói rằng Quốc hội đã thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát của mình.
Nếu như Quốc hội giám sát tốt đã không xảy ra những vụ như Vinashin, Vinalines hay vụ siêu lừa Huyền Như vừa xét xử mới đây.
Nếu Quốc hội giám sát tốt, đã không để xảy ra nhiều vụ án oan sai như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn và gần đây nhất là vụ ông Vũ Thanh Hải, người bị khởi tố sai về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Hải đã tự tử cách đây gần 10 năm vì không chịu được áp lực và chắc còn không ít những vụ thương tâm khác nữa.
Nói như Đại biểu Dương Trung Quốc trên Vietnam Net ngày 01/11/2013 là “Quốc hội không vô can”.
Có lẽ chính vì thế tại phiên họp trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều ý kiến trong Thường vụ đều thống nhất đề nghị Quốc hội giám sát tối cao về tình hình oan sai trong tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan.
Đây là một quyết định rất chính xác, đặc biệt là tại thời điểm nhiều vụ oan sai như hiện nay.
Trở lại với sự so sánh của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, mình mong rằng các đại biểu vẫn nên là nhà văn nhưng khi cầm bút, chỉ xin đừng viết bằng tư duy tưởng tượng mà thay vào đó là những tác phẩm hiện thực đầy hơi thở nóng bỏng và phản ánh chân thực cuộc sống.
Xin các đại biểu đừng viết văn trên nghị trường, song rất cần có trái tim nóng bỏng của nhà văn, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!