Nền nông nghiệp... giải cứu!
(Dân trí) - Nâng cao chất lượng và giá trị nông sản cần phải nhắm đến thị trường trong nước với gần 100 triệu dân để người nông dân không bị thua ngay trên thửa ruộng của mình!
Một người bạn của tôi đã thốt lên như thế khi nhan nhản thông tin giải cứu nông sản trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nền sản xuất nông nghiệp dựa vào sự cảm thông và thương xót thì liệu có thể bền vững?
Cách đây không lâu, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT, Bộ Giao thông Vận tải cùng phối hợp giải cứu cho nông sản Hải Dương. Tuy nhiên, vừa kết thúc chiến dịch giải cứu nông sản cho tâm dịch Hải Dương, cộng đồng mạng lại sôi sục giải cứu nông sản của các địa phương khác.
Tại Nghệ An, công cuộc giải cứu đã được thực hiện từ bắp cải tại các vùng trồng rau ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu, quýt Nghĩa Đàn cho đến hành tăm Nghi Lộc. Trước đó, các cuộc giải cứu dưa hấu, thanh long cũng được triển khai rầm rộ với sự tham gia của các tổ chức xã hội.
Những nông sản phải giải cứu hầu hết có sản lượng lớn nhưng không không tìm được đầu ra nên chỉ bán với giá như cho. Thậm chí thu hoạch là lỗ nên một số địa phương xuất hiện tình trạng để rau củ hư hỏng ngoài ruộng hoặc nhổ bỏ để "giải phóng đất" cho vụ sản xuất tiếp theo.
Những chiến dịch giải cứu nông sản dù diễn ra tự phát nhưng đã phần nào giúp bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm, vớt vát một phần công sức bỏ ra. Tuy nhiên, ai cũng nhìn thấy rõ đây chỉ là giải pháp tạm thời bởi nền sản xuất nông nghiệp dựa vào sự cảm thông và thương xót thì khó có thể bền vững.
Điệp khúc "được mùa - mất giá - tồn đọng - giải cứu" cứ như cái vòng luẩn quẩn bám lấy nền nông nghiệp từ hàng chục năm nay, không chỉ ở Nghệ An mà nhiều địa phương khác trong cả nước. Nguyên nhân "do ảnh hưởng của dịch Covid-19" cũng được nhắc tới nhưng những năm trước, tình trạng ùn ứ không tiêu thụ được nông sản vẫn diễn ra đều đặn.
Nông dân thua lỗ, ngành chức năng đau đầu "khổ lắm, biết rồi" nhưng dường như chưa có một giải pháp rõ ràng, hiệu quả để giải quyết bài toán này. Việc sản xuất vẫn đang thả nổi cho người nông dân và chính họ đang phải "bơi" trong hàng loạt khó khăn để tiêu thụ sản phẩm .
Người viết đã chạnh lòng thay cho nông sản nội địa khi đọc bảng giá các loại sản phẩm cùng loại được bày bán trong các siêu thị tại Hàn Quốc. 1 nắm rau muống bé xíu được bán với giá 85.000 đồng, gấp đến 15 lần so với giá thời điểm hiện tại ở trong nước. Tương tự, một gói 6 quả đậu cove có giá 35 nghìn đồng, trong khi đó với số tiền này, người dân trong nước có thể mua được gần 2 kg!
"Sản xuất nông nghiệp hàng hóa" là cụm từ được nhắc dày đặc trong những năm gần đây và ngành nông nghiệp đã có rất nhiều nỗ lực, song, với quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, người nông dân vẫn trồng trọt, chăn nuôi theo cảm tính.
Với cách thức sản xuất này, rõ ràng người nông dân thua ngay trên đồng đất của mình dù công sức, tiền của đổ vào không ít.
Giải quyết bài toán cung - cầu trong sản xuất nông nghiệp là điều kiện tiên quyết. Để làm được điều đó, ngoài việc dự báo tốt thị trường, liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ thì nâng cao giá trị nông sản bằng công nghệ và kỹ thuật phải đi trước một bước.
Giá trị nông sản phải được quyết định bởi chất lượng chứ không phải phụ thuộc vào thương lái. Do vậy, sản xuất theo kiểu "ăn xổi" tự khắc nông dân sẽ thua ngay trong cuộc chiến về giá cả và tiêu thụ. Muốn vậy, họ cần có đòn bẩy để tập trung vào việc chuyên canh hàng hóa, nâng cao chất lượng nông sản.
Các cơ quan quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực này và chính quyền địa phương cần là cầu nối bằng những chính sách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp tham gia vào các công đoạn từ sản xuất - thu hoạch - bảo quản - chế biến và phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Nâng cao chất lượng và giá trị nông sản không chỉ chú trọng thị trường quốc tế mà phải nhắm đến thị trường trong nước với gần 100 triệu dân để người nông dân không bị thua ngay trên thửa ruộng của mình!