Nên hay không nên thu phí người thân chăm nuôi bệnh nhân?
(Dân trí) - Như Dân trí đã đưa tin, tuần qua, đại diện Bộ Y tế cho biết sẽ kiểm tra việc một số bệnh viện tại TP HCM đã tổ chức thu phí đối với người chăm, nuôi bệnh nhân (mức phí 30.000 đồng/người). Việc qui định này gây phản ứng từ phía người dân, nhưng lãnh đạo Bộ Y tế lại cho rằng, thu là cần thiết.
Mặc dù hiện nay, chưa có một quy định nào về việc thu phí với thân nhân của các bệnh nhân vào chăm sóc họ nhưng một số bệnh viện ở TP HCM đã thu loại phí này trong mấy tháng qua. Tuy nhiên, cũng có bệnh viện sau khi thu, do người dân phản ứng gay gắt nên đã phải tạm dừng.
Đáng chú ý là ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Thường trực của Bộ Y tế, khi trả lời Báo Thanh niên cũng cho rằng, việc thu này là cần thiết, hợp lý do người nhà bệnh nhân vào bệnh viện có sử dụng điện, nước, nhà vệ sinh nên cần thu để có nguồn kinh phí chi trả lương cho những người làm các dịch vụ đó trong bệnh viện và cũng để hạn chế kẻ gian lợi dụng, trà trộn vào bệnh viện ăn cắp tài sản của bệnh viện hoặc bệnh nhân.
Lãnh đạo một số bệnh viện tại TPHCM trả lời báo chí về việc thu loại phí trên cũng nêu những ý kiến tương tự.
Tuy nhiên, về phía người dân, cũng có nhiều ý kiến phản ứng mà ngành y tế nên xem xét. Thực tế, khi người dân ai có bệnh vào các bệnh viện thì họ đều đã phải trả viện phí với mức càng ngày càng cao. Người nhà của họ khi vào bệnh viện thường cũng đã phải trả một số loại phí như phí vệ sinh. Nếu thuê phòng dịch vụ riêng cho thân nhân của họ có bệnh phải nằm điều trị tại bệnh vện thường cũng phải trả mức phí khá cao...., thường cũng cao không kém thuê phòng khách sạn bên ngoài. Nay lại có một khoản thu cố định, trọn gói nữa như phí thăm nuôi bệnh nhân mà Bệnh viện đa khoa quận Thủ Đức đã thu (đã phải tạm dừng) là có tình trạng phí chồng lên phí.
Có bệnh phải đi viện khám là chuyện chẳng đừng và ngay cả đi thăm thân, chăm sóc người thân của mình, với bất cứ ai, đều là việc phải làm. Nay các bệnh viện lại buộc cả thân nhân các bệnh nhân thu phí là điều cần cân nhắc.
Ngoài ra, lý lẽ về việc để hạn chế kẻ gian trà trộn làm thân nhân người bệnh vào các cơ sở y tế trộm cắp tài sản là chưa hợp lý. Bởi vì việc trông coi tài sản của bệnh viện hay bệnh nhân là việc của nhân viên bảo vệ tại các bệnh viện đó và họ được trả lương để làm việc này, chứ việc thu phí từ người thân bệnh nhân không thể làm thay thế được công việc bảo vệ trật tự, an toàn trong các bệnh viện.
Hơn nữa, trong Danh mục phí và lệ phí ban hành cùng Pháp lệnh Phí và lệ phí mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành, hiện vẫn đang áp dụng, không có một khoản phí nào có tên là phí thân nhân người bệnh. Việc đặt ra một mức phí mới dù ít hay nhiều, Bộ Y tế cũng cần phải trình Bộ Tài chính, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét tính hợp lý, đúng đắn để có sự phê duyệt cho bổ sung hay không vào Danh mục Phí và lệ phí hiện hành.
Mạnh Quân