Nên chăng thành lập “tổ Hải Phòng”?

(Dân trí) - Trong tình hình hiện nay, nên chăng thành lập Tổ công tác như ở Thái Bình để giải quyết tận gốc, triệt để, đúng đạo lý, công bằng và công khai, không để lại hậu quả xấu đồng thời lấy lại niềm tin của nhân dân Hải Phòng và nhân dân cả nước.

Nên chăng thành lập “tổ Hải Phòng”? - 1
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng đang được TP. Hải Phòng tập trung xử lý và kết quả đến đâu thì phải chờ đợi. Qua cuộc phỏng vấn ông Phạm Thế Duyệt và trao đổi với một số vị lãnh đạo cao cấp từng nhiều năm gắn bó với Hải Phòng, mình có suy nghĩ rằng việc xử lý phải đạt được mấy yêu cầu cơ bản sau:

Trước hết, phải công khai, công bằng, minh bạch. Dù bất cứ ai, ở cấp nào nếu có sai phạm đều phải chịu hình thức kỉ luật tương ứng như quan điểm của ông Phạm Thế Duyệt: “Không che chắn, không bao biện và không được để lại hệ quả xấu”. Việc xử lý phải hợp lòng dân, đúng pháp luật và đúng đạo lý dân tộc. Điều này vô cùng quan trọng vì người Việt mình rất coi trọng đạo lý. Xác định đúng nguyên nhân sâu xa để xử lý tận gốc đồng thời phải nhanh chóng để sớm ổn định tình hình, không để nhân dân hoang mang ảnh hưởng đến ổn định xã hội và phát triển kinh tế.

Muốn đạt những yêu cầu trên, tự thân TP Hải Phòng phải quyết liệt và có được sự ủng hộ to lớn từ quần chúng nhân dân. Tuy nhiên theo mình hiện nay, những yêu cầu này đối với Hải Phòng khó có thể đáp ứng bởi các lý do sau:

Thứ nhất, về chủ quan, ngay từ đầu lãnh đạo Hải Phòng đã thiếu sự hiểu biết cần có về Luật đất đai nên dẫn tới việc ban hành quyết định giao đất cũng như quyết định cưỡng chế sai pháp luật, trái đạo lý như trong kết luận của Chính phủ.

Thứ hai, khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Hải Phòng đã có những biểu hiện lúng túng trong cách điều hành,  xử lý và đặc biệt là thiếu một “tổng chỉ huy” đủ tư cách cũng như trách nhiệm để thống nhất sự chỉ đạo. Từ đó dẫn đến việc xử lý bất nhất, có một số phát ngôn gây bức xúc và thiếu nhất quán của một số lãnh đạo. Đáng lý khi sự việc xảy ra, Chủ tịch UBND TP hoặc Bí thư Thành ủy phải là người đứng ra gánh vác nhiệm vụ này.

Thứ ba, sau khi có kết luận của Chính phủ, có cảm giác như lãnh đạo Hải Phòng vẫn chưa nhận thức đúng bản chất của sự việc. Bằng chứng là khi thực hiện chỉ  đạo của Thủ tướng, nhiệm vụ Tổ trưởng tổ công tác để giải quyết và khắc phục hậu quả lại được giao cho Phó chủ tịch TP. Đỗ Trung Thoại, một người có liên quan và có những phát ngôn sai trái, vu oan cho nhân dân phá nhà ông Vươn để rồi cũng chỉ một ngày sau đó, Thành phố đã phải thay thế bằng một vị Phó chủ tịch khác. Một bằng chứng nữa là trên một số phương tiện thông tin đại chúng ở Hải Phòng nhiều ngày sau vẫn không công bố kết luận của Thủ tướng mà vẫn để các bài thể hiện quan điểm cũ, cho rằng việc cưỡng chế là đúng pháp luật. Những quyết định đình chỉ công tác tạm thời (15 ngày) đối với một số lãnh đạo liên quan cũng không khỏi gây sự hoài nghi trong cách xử lý của TP. Hải Phòng.

Thứ tư là từ những cách xử lý vụ việc trên, uy tín và nhất là lòng tin của lãnh đạo Thành phố đối với nhân dân Hải Phòng nói riêng, nhân dân cả nước nói chung đã suy giảm nghiêm trọng. Khi mà không có niềm tin của quần chúng thì rất khó có sự ủng hộ từ phía nhân dân – một yếu tố có tính quyết định trong mọi sự thành bại. Mặt khác, khi niềm tin đã suy giảm thì dù kết quả xử lý có đúng đắn đến đâu chăng nữa cũng khó tránh khỏi sự hoài nghi của dư luận, một sự hoài nghi rất chính đáng bởi chỉ “Một sự bất tín, vạn sự bất tin”.

Để giúp Hải Phòng giải quyết sớm, triệt để vụ việc, theo mình có lẽ không nên chờ đến kết luận của Hải Phòng mà nên chăng cần thành lập một tổ công tác tương tự như Tổ công tác Thái Bình trước đây (có thể qui mô nhỏ hơn) từng do một Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị làm Tổ trưởng. Điều này không chỉ giúp cho việc xử lý nhanh chóng, công bằng, nghiêm minh, không để lại hậu quả xấu… mà còn giúp cho cán bộ Hải Phòng tránh sự khó xử. Bởi nói gì thì nói, cùng làm việc, cùng cộng tác với nhau, ngoài tình đồng chí còn là tình thân quen, bè bạn… nên khó tránh khỏi sự nể nang, cảm tính của người Việt. Mặt khác, những sai phạm ở Tiên Lãng còn có nguyên nhân từ những bắt cập ở tầm vĩ mô như các qui định về Luật đất đai.

Không chỉ mình, nhiều bạn đọc gửi thư (comment) về cho Dân trí cũng có chung suy nghĩ này. Bạn có nghĩ như thế không?

Bùi Hoàng Tám