Một mức phạt… “ngất ngây con gà tây” người vi phạm!

(Dân trí) - Một mức phạt “ngất ngây con gà tây” dành cho người vi phạm vừa được áp dụng cho “gã biến thái” Đỗ Mạnh H. (SN 1982, quê Hải Phòng) vì hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy gây xôn xao dư luận những ngày qua.

m_phat-200.jpg

Theo đó, Đỗ Mạnh H. bị xử phạt vì “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”, quy định điểm a, khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo đó, mức phạt đối với hành vi này là từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng và Đỗ Mạnh H. bị xử phạt mức trung bình với số tiền 200 nghìn đồng.

Theo đại diện Công an quận Thanh Xuân, cơ quan công an cũng đã lập biên bản ngăn chặn, yêu cầu Đỗ Mạnh H. cam kết không tái phạm, không được có các hành vi tương tự.

Trước đó, ngày 13/3, trong buổi làm việc tại Công an quận Thanh Xuân, các bên tham gia đã thống nhất tổ chức buổi xin lỗi công khai vào tối 15/3 tại tòa nhà nơi xảy ra vụ việc. Tối 15/3, đối tượng H. hủy buổi xin lỗi. Sáng 16/3, đối tượng H. tiếp tục không xuất hiện để xin lỗi theo lịch hẹn.

Trước đó, ngày 11/3, chị V. (người bị hại) đã đề nghị cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, xử lý “kẻ biến thái” trên theo đúng tính chất, mức độ vụ việc; đồng thời, yêu cầu đối tượng này xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần cho mình.

Tuy nhiên, thông tin đối tượng H. bị phạt 200 ngàn đồng đã gây bức xúc trong dư luận. Nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến (comment) về Dân trí bày tỏ thái độ không đồng tình và cho rằng thiếu tính răn đe.

Có cả những ý kiến khá… hài hước như “một quyết định nhân văn và rất hợp lòng đối tượng, thể hiện tinh thần bao dung tối đa với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự con người!”.

Trả lời Dân trí, ông Phan Viết Lượng - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội bức xúc:  “Mức phạt hành chính chỉ vài trăm ngàn đồng cho những đối tượng như vậy thì không ngăn chặn, răn đe được. Chúng ta phải có biện pháp để cậu ta thấy hành vi đó là nỗi nhục… Vụ việc ít nhiều tác động tiêu cực đến xã hội. Do vậy, nếu không có biện pháp mạnh tay sẽ không răn đe, giáo dục được người khác. Điều đó cũng thể hiện một phần nhất định trong việc bất lực của cơ quan quản lý nhà nước”.

Đây là những ý kiến xác đáng, tuy nhiên có lẽ việc phạt 100 ngàn, 200 ngàn hay 300 ngàn cũng không chắc đã quan trọng bằng việc bắt đối tượng phải công khai xin lỗi để “cậu ta thấy hành vi đó là nỗi nhục” và chỉ có như thế, mới đủ sức răn đe.

Còn nếu như chỉ phạt bằng tiền với mức 1-300 ngàn như hiện nay hoặc cao hơn nữa, nó chỉ có tác dụng làm… “ngất ngây con gà tây” đối tượng bị xử lý.

 

Bùi Hoàng Tám