Một khi “niềm vui quái gở” cộng với “tiền hậu bất nhất”!

(Dân trí) - Một khi doanh nghiệp cạnh tranh kiểu côn đồ, nhà quản lý “tiền hậu bất nhất”, “bỗng dưng đổi ý” thì thị trường vận tải sẽ mãi là chiến trường khốc liệt nhất và công cuộc xã hội hóa ngành này còn xa vời vợi.

 


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Có lẽ không quốc gia nào lại có khái niệm “ném đá xe khách” hay “ném đá tàu hỏa”.

Thế nhưng tra google vào sáng ngày 23/12/2015, bạn sẽ thấy xuất hiện 446.000 kết quả cho cụm từ “ném đá xe khách”  và 571.000 kết quả cho “ném đá tàu hỏa”. Một kết quả xót xa và… xấu hổ bởi không chỉ tài sản bị phá hoại mà máu cũng đã đổ, tính mạng con người bị đe dọa.

Nếu như các vụ ném đá tàu hỏa hay xe khách trước đây, đối tượng thường là trẻ em hoặc một số thanh niên nghịch ác “cho vui” thì vụ ném đá xe khách nghiêm trọng ở QL5, những kẻ ném đá đã thực hiện phi vụ dằn mặt đối thủ cạnh tranh.

Theo thông tin từ báo chí, để tăng tính cạnh tranh, các nhà xe Vũ Hiếu, Quang Tiến, Diện Thu, Kiên Dũng thuộc tuyến Hưng Yên - Sơn La đồng loạt giảm giá vé xuống 80.000 đồng/lượt. Riêng nhà xe Kim Hải vẫn giữ ở mức vé gần gấp đôi, 140.000 đồng lượt.

Đương nhiên, việc “chặt chém” của nhà xe Kim Hải khiến khách hàng quay lưng. Sau khi dùng nhiều biện pháp ép các nhà xe khác không được, nhà xe Kim Hải đã làm một việc bẩn thỉu, đó là thuê côn đồ dùng đá ném thẳng vào xe của các nhà xe trên khi đang lưu hành.

Trong một lần ném đá, chúng đã làm bị thương tài xế và một số người đi trên xe, gây tâm lý hoang mang tột độ cho hành khách. Ngày 20-12, CQĐT Công an tỉnh Hưng Yên đã bắt tạm giam đối với Nguyễn Đình Tướng và đồng bọn.

Nếu “thương trường là chiến trường” thì có thể nói thương trường vận tải là chiến trường khốc liệt nhất và cũng phức tạp nhất.

Sự khốc liệt do bởi ở đây, người ta không từ mọi thủ đoạn của đời sống ô hợp, đã thành câu nói cửa miệng: Bến tàu, bến xe.

Song, nó không chỉ khốc liệt bởi môi trường mà trong đó, còn ẩn chứa những “cạm bẫy” do chính các nhà quản lý gây ra.

Nhớ lại cách đây không lâu, trong loạt bài viết về sự “lộn xộn”, “quá tải” và “vỡ trận” (tác phẩm sau đó đã được trao tặng Giải B Báo chí Quốc gia), phóng viên Dân trí đã rút ra nguyên nhân của sự việc này chính là Sở GTVT Hà Nội đã ban hành những văn bản "tiền hậu bất nhất" khiến bến xe Mỹ Đình trở nên "bội thực" và “vỡ trận”.

Điều ngạc nhiên, bài báo còn đăng tải Công văn của Hiệp hội Vân tải Hà Nội đề nghị UBND TP Hà Nội “cân nhắc”, trong đó có đoạn: “… cần phải lưu ý đến các mối quan hệ: Thái Bình là quê của 1 Phó Thủ tướng, 1 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng Công an, Nam Định là quê của 1 Phó Thủ tướng, 3 Bộ trưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương, Phó Ban Kinh tế Trung ương…”.

Có lẽ, không có quốc gia nào lại có loại công văn lại nêu lý do cân nhắc “kỳ quái” như cái công văn này.

Cách đây ít lâu, Bộ trưởng Bộ Giao thông & Vận tải Đinh La Thăng đã đặt vấn đề về việc bán lốt 600 triệu đồng ở bến xe này.

Việc “tiền hậu bất nhất”, gây rối loạn thị trường và khốn khổ cho doanh nghiệp không chỉ diễn ra ở Hà Nội như đã phản ánh ở trên.

Tại Hải Phòng, sự “đổi ý” của Thành phố đã khiến một bến xe vừa ra đời đã trên bờ chết yểu.

Theo các báo Tiền Phong ngày 16/6, bài “Thành phố “đổi ý”, bến xe Thượng Lý chết yểu” và Chương trình 24h của VTV1, được sự đồng ý và động viên của thành phố, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim khí Hải Phòng đã bỏ ra 50 tỉ đồng để xây dựng bến xe Thượng Lý theo chủ trương “là bến xe khách liên tỉnh thay thế bến Tam Bạc”, thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực này.

Đây là việc làm cần thiết bởi các bến xe Tam Bạc, Niệm Nghĩa nằm trong khu dân cư đông đúc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình giao thông.

Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong bến Thượng Lý, TP Hải Phòng cho đóng cửa bến xe Tam Bạc nhưng lại để cho các doanh nghiệp vận tải tự chọn, hoặc là Cầu Rào, hoặc Niệm Nghĩa hay là Thượng Lý.

Tất nhiên, chẳng một nhà xe nào muốn ra Thượng Lý dù ở đây được trang bị hiện đại và đang áp dụng mọi hình thức để lôi cuốn khách mà dồn tất cả về bến xe Niệm Nghĩa. Lý do là bởi bến Thượng Lý nằm ở cách xa thành phố còn bến Niệm Nghĩa chỉ cách bến xe Tam Bạc cũ chưa đầy 1km.

Trả lời báo chí, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng cho rằng đây là quyền của các doanh nghiệp, sở chỉ động viên, khuyến khích chứ không thể bắt buộc họ đi đâu, về đâu. Điều này thoạt nghe thì rất đúng nhưng về sâu xa, nói hoàn toàn trái ngược bởi lớn hơn quyền tự do lựa chọn của doanh nghiệp còn là quyền của người dân Hải Phòng.

Người dân Hải Phòng không vì quyền của doanh nghiệp mà phải chịu cảnh chen chúc, lộn xộn với giao thông ách tắc, tai nạn luôn rình rập. Không chỉ thế, còn có một quyền nữa là quyền đòi hỏi “giữ lời” của nhà quản lý đối với người dân (ở đây là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim khí Hải Phòng) chứ không thể “bỗng dưng đổi ý”, đẩy họ vào con đường phá sản.

Một khi doanh nghiệp cạnh tranh kiểu côn đồ, nhà quản lý “tiền hậu bất nhất”, “bỗng dưng đổi ý” thì thị trường vận tải sẽ mãi là chiến trường khốc liệt nhất và công cuộc xã hội hóa ngành này còn xa vời vợi.

Bùi Hoàng Tám