Mọi thứ thành tích, thể diện phù phiếm, xin hãy gác lại!
(Dân trí) - 5 học sinh đang học lớp 9 xông vào lột quần áo, đánh đập dã man một bạn nữ cùng lớp ngay tại lớp học của mình, không những vậy còn quay lại clip. Giáo viên chủ nhiệm khi nắm được sự việc, thay vì thái độ nghiêm khắc lại yêu cầu học sinh xoá ngay các clip đã quay, không được thông tin cho bất cứ ai biết.
Vụ việc chấn động xảy ra tại trường THCS Phù Ủng, Ân Thi, Hưng Yên ít ngày trước khiến bất cứ ai cũng phải run lên vì giận dữ. Người ta phẫn nộ không chỉ với 5 học sinh kia mà còn không thể hiểu nổi cách ứng xử của cô giáo các em, không thể hiểu nổi phương pháp giáo dục của nhà trường đang muốn hướng đến điều gì khi vẫn bình tĩnh đến “lạnh người” trước một vụ việc khủng khiếp đến thế?
Cho đến khi sự việc vỡ lở, đến tai lãnh đạo Bộ Giáo dục Đào tạo và lãnh đạo Chính phủ, lập tức Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu trường THCS Phù Ủng phải đối mặt với hình thức kỷ luật cách chức. Không dừng lại đó, cách chức cả chi ủy nhà trường, cách chức tổng phụ trách đội, xem xét kỷ luật hội đồng kỷ luật nhà trường vì bao che, nương nhẹ. Giáo viên chủ nhiệm cũng đang bị đề nghị có hình thức kỷ luật nặng hơn.
Liệu kỷ luật như vậy có nặng nề quá không? Không! Theo quan điểm của người viết, với những vụ việc có tính chất nghiêm trọng như trên, cách xử lý này là cần thiết! Và càng cần thiết hơn khi mà nạn bạo lực học đường đang càng ngày càng trở nên báo động.
Chỉ cần lên mạng xã hội là có thể thấy nhan nhản cảnh đánh đấm hội đồng, dằn mặt nhau của các nhóm học sinh, không khác gì “băng đảng” trong đó có cả nữ giới. Trường học trở nên mất an toàn. Trào lưu “home schooling” (trẻ học tại nhà), “none-schooling” (trẻ học từ đời sống) được không ít bậc phụ huynh ở ta áp dụng, chính bởi thiếu tin tưởng vào nhà trường.
Cho nên, trong công tác giáo dục học sinh, không chỉ có giáo viên chủ nhiệm mà tập thể ban giám hiệu, chi uỷ nhà trường, tổng phụ trách đội, hội đồng kỷ luật nhà trường – từng người, từng bộ phận đều phải thấy được trách nhiệm của mình.
Thông điệp được Chủ tịch tỉnh Hưng Yên nêu rất rõ: “Sau vụ việc này, nếu có bạo lực học đường xảy ra trên địa bàn tỉnh Hưng Yên sẽ xử lý tương tự như vậy”. Do đó, không ai được phép vô tâm, tự coi mình là vô can. Đằng sau cánh cổng trường, phụ huynh cần con em họ được giáo dục lành mạnh, đó phải là nơi mà cái xấu, các ác được loại bỏ từ sớm và nuôi dưỡng tình thương yêu, tử tế cho mỗi học trò.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng tại buổi làm việc với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: “Đây là sự việc rất đau lòng, làm ảnh hưởng không những là danh dự, uy tín ngành giáo dục của thầy giáo cô giáo và nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của huyện, của xã”. Nhưng xin thưa, việc cho ra đời những công dân tốt, những con người tử tế mới cần là mục tiêu đầu tiên của ngành giáo dục. Và cũng không một nhiệm vụ chính trị nào quan trọng bằng việc phải chặn đứng cái ác từ sớm.
Nêu quan điểm trên Dân Trí, các luật sư cho rằng, hành động bạo lực trên có dấu hiệu của tội phạm, nếu giám định có tỉ lệ tổn thương cơ thể là có thể khởi tố vụ án, không cần phải đạt từ 11% như phổ biến và các thầy cô cũng có thể bị vướng vào vòng lao lý về tội che giấu tội phạm.
Nhóm học sinh tham gia vụ đánh đập dã man này có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích và tội làm nhục người khác; bị phạt tiền đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm do xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.
Đây cần phải là bài học lớn lao cho mỗi học sinh trước ngưỡng cửa cuộc đời. Sai lầm nào cũng phải trả giá và đặc biệt là khi hành vi bạo lực đã diễn ra rất nhiều lần. Khi gia đình và nhà trường bất lực với trẻ cá biệt, việc đình chỉ hay đuổi học chỉ là giải pháp tình thế, mà cần thiết phải có hình thức giáo dưỡng phù hợp hơn để sớm ngăn chặn các hành vi phạm tội trong tương lai.
Mọi thứ thành tích, thể diện phù phiếm, xin hãy gác lại!
Bích Diệp