Mệnh lệnh hành động từ "mục tiêu kép"
(Dân trí) - "Không có cách nào khác, chống dịch tốt để phát triển kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế để có điều kiện chống dịch thành công"...
Đó là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm, ngày 2/7 vừa qua.
Đất nước ta đang trải qua đợt dịch Covid-19 thứ 4 với số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh, phạm vi lây lan ra nhiều tỉnh thành. Có thể nói, chưa bao giờ cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 lại khẩn trương, gấp gáp như hiện nay. Chính phủ, các bộ ngành, đặc biệt là ngành y tế và các địa phương đang hết sức nỗ lực và tập trung cao độ trong việc khoanh vùng, truy vết tiến tới khống chế và dập dịch.
Cuộc chiến chống Covid-19 đã kéo dài gần 2 năm, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu bị gián đoạn. Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội là yêu cầu và là mục tiêu của Chính phủ trong thời gian qua.
Bị bủa vây giữa trùng trùng khó khăn, các tỉnh, các ngành đã từng bước khôi phục, ổn định sản xuất trong tình hình mới. Tỉnh Bắc Giang dù bị tác động hết sức nặng nề của đại dịch, song đã có nhiều chỉ số kinh tế hết sức tích cực, tăng cao so với năm ngoái. Trong đó, riêng nguồn thu từ quả vải lên tới 6.800 tỷ đồng.
Trong bối cảnh này, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội là giải pháp duy nhất để sớm ổn định đời sống nhân dân cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ 13 đề ra.
"Kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép dù đây là lựa chọn rất khó khăn. " - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Cùng một lúc phải thực hiện 2 nhiệm vụ nặng nề, trong bối cảnh có quá nhiều bất lợi là điều hết sức khó khăn. Mục tiêu kép không phải là khẩu hiệu hô hào mà là mệnh lệnh hành động của từng địa phương, từng bộ ngành.
Không lơ là, bi quan, mất cảnh giác, sợ sệt mà phải lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu, vượt qua, khẳng định, trưởng thành và phát triển.
Để có thể hoàn thành hai mục tiêu này, ngoài sự quyết tâm của Chính phủ cùng hàng loạt cơ chế chính sách được ban hành là vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng địa phương, từng bộ ngành.
Triển khai các biện pháp chống dịch và phát triển kinh tế một cách có hiệu quả, đòi hỏi sự quyết tâm cao của người đứng đầu, bản lĩnh dám làm, dám đột phá bằng các chính sách cụ thể cần có quyết tâm của từng doanh nghiệp, từng nhà máy, từng người dân trong sự đoàn kết, đồng lòng vượt qua khó khăn để ổn định và phát triển.
Khi người dân đoàn kết, đồng lòng, tin tưởng vào sự điều hành chung của Chính phủ, chúng ta sẽ tiệm cận với mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ổn định đời sống xã hội.