Mấy suy nghĩ trong phiên chất vấn đặc biệt tại Nghị trường
(Dân trí) - "Tôi nói sách giáo khoa có một số thiếu sót nhưng không phải sai sót tới mức nghiêm trọng và cũng không phải sai sót đến mức phải chuyển cơ quan điều tra, hoặc hình sự hóa việc sai sót này...".
Ngày 6.11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn đặc biệt, phiên chất vấn cuối cùng của khoá XIV kéo dài 2,5 ngày, từ sáng ngày 6/11 tới hết buổi sáng ngày 10/11/2020. Lãnh đạo Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, gần 20 Bộ trưởng… đều có thể lên “ghế nóng”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp tham gia phiên chất vấn.
Có thể nói, chất vấn và trả lời chất vấn vẫn là tâm điểm của mỗi kỳ họp Quốc hội. Nhiều cử tri vẫn chăm chú đón đợi phiên họp này…
Hơn mười năm nhìn lại “cái thủa ban đầu lưu luyến ấy” được truyền hình trực tiếp, về chất lượng nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đã có những bước tiến rất dài.
Không như những ngày đầu, giờ đây, các đại biểu Quốc hội không còn cảm giác bỡ ngỡ, “choáng ngợp” trước ống kính truyền hình với sự dõi theo của hàng triệu cử tri. Họ cũng không còn e ngại trước các thành viên Chính phủ, những người ngày thường là quan chức cao cấp mà họ có thể chưa bao giờ được gặp.
Về chất lượng chất vấn, không còn những lời dài dòng, kính gửi, kính thưa cùng những đề xuất, đòi hỏi, than vãn cho giới mình, ngành mình, địa phương mình.
Về phía trả lời chất vấn, không còn thấy xuất hiện những bản báo cáo dài lê thê trong đó không ít thời lượng dành cho việc nêu khó khăn và kể lể công trạng.
Tóm lại, nhìn chung chất lượng đã được nâng lên rất nhiều nhưng không có nghĩa là không cần đổi mới, rút kinh nghiệm.
Trong bài viết nhỏ này, với tư cách cử tri, tôi xin đề xuất hai ý kiến.
Thứ nhất, vẫn còn tình trạng nhiều vị trước khi phát biểu hay mở đầu kiểu “thời gian qua, do dịch bệnh, thiên tai… song, nhờ có abc nên kinh tế vẫn tăng trưởng…” rồi nêu một loạt các con số sau đó mới bắt đầu bằng “nhưng” hoặc “tuy nhiên”...
Việc này không sai, song nếu lặp lại nhiều lần sẽ vừa mất thời gian, vừa khiến nhàm chán. Theo tôi, nên bắt đầu ngay vào phần “nhưng” hoặc “tuy nhiên” bởi nội dung chính là ở phần “nhưng” này.
Ý kiến thứ hai, trước khi chất vấn, các đại biểu nên để tâm nghiên cứu kỹ vấn đề hơn nữa.
Một ví dụ gần đây nhất về vụ SGK lớp một bộ Cánh diều, một đại biểu đề nghị lực lượng chức năng vào cuộc điều tra. Trả lời tranh luận, đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng không nên hình sự hóa và sự việc chưa nghiêm trọng đến mức phải khởi tố.
“Đây không phải là sai sót ở mức độ nghiêm trọng.Tôi nói sách giáo khoa có một số thiếu sót nhưng không phải sai sót tới mức nghiêm trọng và cũng không phải sai sót đến mức phải chuyển cơ quan điều tra, hoặc hình sự hóa việc sai sót này… Tôi xin nhắc lại, những thiếu sót trong sách giáo khoa chỉ là dạng chưa thật sự phù hợp và những việc này có thể điều chỉnh và sửa được ở trong lần tái bản tiếp theo", đại biểu Phương nói.
Về quan điểm cá nhân, tôi đồng tình với ĐB Phương bởi nếu chuyển cơ quan điều tra tức là phải có dấu hiệu phạm tội, vậy tội danh đó tên là gì? thuộc khoản nào? điều nào? luật nào? hình thức xử phạt ra sao…?
Có ý kiến cho rằng có thể là tội “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo tôi cũng không thỏa đáng. Lý do, rất khó chứng minh các giáo sư của Hội đồng biên soạn cũng như Hội đồng thẩm định “thiếu tinh thần trách nhiệm” và càng khó hơn, việc chứng minh “gây hậu quả nghiêm trọng”. Mặt khác, nếu có dấu hiệu phạm tội, chắc chắn Bộ Công an đã vào cuộc ngay, không chờ đến việc ai đó phải “đề nghị”.
Tóm lại, đây không phải là “tội” mà chỉ là “lỗi”, dù là lỗi không nhỏ.
Nếu suy nghĩ của tôi là đúng, điều băn khoăn của tôi nằm ở tư duy luật pháp của tác giả đề nghị điều tra này bởi Quốc hội là cơ quan lập pháp, các đại biểu phải là những người “tinh thông pháp luật” không thể biến “lỗi” thành “tội”, “hình sự hóa” vụ việc như ý kiến của đại biểu Phương.
Đây là suy nghĩ cá nhân của tôi, một cử tri đồng thời cũng là một nhà báo nhiều năm theo dõi hoạt động của Quốc hội.
Mong rằng chất lượng các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được nâng cao hơn nữa, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân, đặc biệt tránh những sai sót về khía cạnh luật pháp bởi xin nhắc lại, Quốc hội là cơ quan lập pháp thì các đại biểu Quốc hội cần phải tinh thông luật pháp!