“Mấy phiên gần đây số đại biểu vắng họp nhiều quá”.

(Dân trí) - Đó là lời than phiền của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu được đăng trên báo Tuổi trẻ ngày 22/11 vừa qua, bài "Gần 25% vắng mặt, đại biểu Quốc hội đang ở đâu?".

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Theo thông tin từ bài báo trên, thời điểm lấy phiếu thông qua Luật căn cước công dân vắng ít nhất 94 đại biểu (có 403/497 đại biểu có mặt).

“Ngay sau đó ít phút, khi biểu quyết thông qua Luật hộ tịch thì lại chỉ còn 395 đại biểu có mặt, tức là vắng tới 102 đại biểu.

Tại sao con số trên bảng điện tử lại “nhảy nhót” chỉ sau có vài phút như vậy? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định rằng đó là do “có tình trạng đại biểu bấm hộ người khác”.

Giống như trong lớp học, các cô cậu học trò láu cá thường điểm danh hộ bạn mỗi khi thầy, cô gọi tên”. Bài báo bình luận.

Tuy nhiên trên tờ Người lao động cùng ngày, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đó là “đặc thù của Quốc hội Việt Nam do đại biểu kiêm nhiệm nhiều. Văn phòng Quốc hội đã đề nghị các trưởng đoàn trao đổi để đại biểu sắp xếp công việc dự họp đầy đủ, nhất là khi biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết”.

“Luật Tổ chức Quốc hội cũng không bắt buộc đại biểu phải họp đủ 100%. Vả lại, có những lúc cơ quan đại biểu có công việc bất khả kháng nên Quốc hội không thể bắt họ phải dự họp đủ”. Ông Phúc nói.

Những lý giải của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc không phải là không có lý. Đúng là ở ta, phần lớn Đại biểu là kiêm nhiệm nên rất khó có thể đi họp đầy đủ tất cả các buổi mà thời gian mỗi năm hai kỳ, mỗi kỳ thường kéo dài trên dưới một tháng.

Vì thế, ví dụ một vị chủ tịch tỉnh với hàng núi công việc không thể bỏ ra mỗi năm 2 tháng để “điều hành từ xa”.

Tôi đã từng thấy nhiều đại biểu mỗi kỳ họp Quốc hội là phờ phạc vì chiều họp xong là mải miết chạy hàng trăm km từ Hà Nội về để rồi sáng mai lại tong tả lao lên cho kịp giờ khai mạc.Nhiều cử tri cho rằng, nếu cứ tình trạng một vị đảm nhièm quá nhiều vai thì chắc chắn khó lòng đảm đương trọn vẹn nhiệm vụ được giao.

Thế nhưng là cử tri có lẽ chẳng ai muốn người đại diện cho mình lại vắng mặt ở những buổi họp quan trọng như thế và nhất là các cuộc bỏ phiếu thông qua luật hoặc nghị quyết hay chất vấn tại nghị trường.

Rất may là ở ta, sự đồng thuận thường luôn ở mức cao chứ nếu như cái tỉ lệ giữa thông qua và không thông qua là 49% và 51% chẳng hạn, thì số lượng 25% đại biểu vắng mặt sẽ khó có thể phản ánh đúng thực chất.

Có lẽ cách tốt nhất hiện nay là nên giảm tối đa thời gian họp.

Cách đây một năm (11/2013), tại phiên họp Quốc hội (QH) về dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) đã “phê” các kỳ họp Quốc hội còn kéo dài, gây lãng phí thời gian và ngân sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thừa nhận “đề nghị của đại biểu về rút ngắn thời gian họp của QH rất đúng”.

Cũng theo đại biểu Tuấn tại thời điểm đó, mỗi ngày Quốc hội họp tốn khoảng 1 tỉ đồng. Giờ đây, chắc con số đó còn lớn hơn nhiều bởi Hội trường Quốc hội mới hiện đại hơn, đẹp hơn nên chắc chi phí cũng lớn hơn. Song, điều lo ngại nhất của cử tri có lẽ là lời của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: “có tình trạng đại biểu bấm hộ người khác” bởi cử tri chắc chẳng ai muốn người đại diện cho mình lại đi nhờ người khác bấm nút hộ, phải không các bạn?


Bùi Hoàng Tám

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!