Lòng bao dung, nhân ái và cuộc "từ chức" đầy tự trọng

(Dân trí) - Tình trạng bạo lực học đường rất đáng lên án vì phản giáo dục. Thế nhưng gần đây, vụ một cô giáo gắn băng keo vào miệng 6 em nhỏ lại nhận được sự cảm thông, tha thứ và chia sẻ của tất cả phụ huynh trong lớp.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Theo thông tin trên Dân trí, ngày 23/11, trong giờ dạy của mình, cô giáo Phùng Hồng Anh phụ trách lớp 3A8, Trường Tiểu học Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) thấy có nhiều học sinh mất trật tự nên đã dán băng dính vào miệng một số em. Ngay sau khi sự việc xảy ra, cô đã trấn tĩnh và xin lỗi các em.

Buổi tối hôm xảy ra sự việc, cô chủ động gọi cho Trưởng Ban phụ huynh xin lỗi phụ huynh, các học sinh vì hành động nhất thời và nhận thấy đó hành động sai trái. Cô Hồng Anh cho biết, việc dán băng vào miệng nhằm dọa các em, sau đó cởi bỏ băng dính ra ngay.

Tuy nhiên, do không chịu được sức ép từ dư luận, cô Hồng Anh làm đơn xin nghỉ việc và được chấp thuận, công việc của cô cũng đã bàn giao.

Nhìn lại sự việc, thấy hành động của cô giáo trẻ Hồng Anh là không phù hợp bởi nó đã xúc phạm nhân phẩm của các em và gây tổn thương đến tình thầy trò cũng như hình ảnh của ngành giáo dục.

Song, bình tĩnh trong cái nhìn độ lượng, có thể sẻ chia, thể tất với việc làm này bởi mấy lẽ.

Thứ nhất, đây là hành động bột phát trong một thời điểm thiếu bình tĩnh của một cô giáo trẻ mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải trong đời. Thứ hai, động cơ của cô là mong muốn các em học tập tốt hơn, không làm ảnh hưởng đến các học sinh khác. Thứ ba, sau khi nhận ra khuyết điểm, cô đã chủ động xin lỗi phụ huynh, học sinh đồng thời xin nghỉ việc. Đây có thể coi như một cuộc "từ chức" đầy lòng tự trọng, đáng để không ít cán bộ, công chức học tập bởi việc có một chỗ dạy ở Hà Nội là vô cùng khó. Về phía Ban Giám hiệu nhà trường, cách hành xử sau đó là kịp thời và đáng ghi nhận.

Có lẽ chính vì thông cảm, chia sẻ với cô giáo Hồng Anh, các phụ huynh đã có một cái nhìn bao dung rất đáng trân trọng. Họ chủ động làm một lá đơn tập thể bày tỏ lòng yêu mến, quý trọng cô giáo. Trong bức thư có đoạn: “Sự việc vừa xảy ra với cô giáo Hồng Anh khiến chúng tôi cảm thấy rất buồn. Đó là việc đáng tiếc, không ai mong muốn. Hình ảnh cô để lại trong tâm trí đa phần các phụ huynh là gần gũi, giản dị, mộc mạc và thân thiện. Còn rất nhiều việc làm âm thầm của cô giúp các con, chúng tôi không thể viết hết ra được ở đây”...

Bức thư đầy cảm động: “Hôm qua các con đi học về mặt rất buồn. Chúng tôi hỏi tại sao con khóc? Con trả lời, hôm nay cô Hồng Anh lên chia tay lớp. Chúng con khóc rất nhiều, tại sao cô phải nghỉ dạy vậy mẹ?”.

Song, càng cảm động hơn, là tấm lòng vị tha của các phụ huynh nơi đây: “Tập thể phụ huynh lớp 3A8 kính mong BGH nhà trường giảm bớt hình thức kỷ luật với cô Hồng Anh. Chúng tôi, những phụ huynh của lớp hiểu sự việc và tha thứ cho cô. Các con mãi yêu thương cô và cảm ơn cô thời gian qua đã thay chúng tôi dạy dỗ các cháu. “Sống để yêu thương, bao dung và vị tha” cái đó là điều chúng tôi thường dạy các cháu”.

Có lẽ những điều mà người viết bài này muốn nói đã được các phụ huynh học sinh lớp 3A8, Trường Tiểu học Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) nói hết trong thư. Chỉ xin trích thêm một đoạn từ bức thư của một bạn đọc gửi về Dân trí:

“Một cú vấp ngã ngày hôm nay sẽ là một bài học lớn cho cô Hồng Anh trên bước đường đời sau này. Ngừng công việc giảng dạy, cô sẽ tìm được một công việc khác cho mình. Nhưng cú vấp ngã này sẽ mãi là nỗi ám ảnh không nguôi. Để rồi mỗi khi nhớ về bục giảng, phấn trắng, nhớ lại giấc mơ “trồng người” ngày xưa, nỗi day dứt sẽ lại ùa về, giằng xé tâm hồn”.

Mong rằng cô giáo trẻ Phùng Hồng Anh đủ bản lĩnh để vượt qua “tai nạn” này và cũng mong rằng lãnh đạo nhà trưởng, Phòng Giáo dục Đào tạo Hoàng Mai, sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xử lý trên tinh thần bao dung và độ lượng để cô sớm trở lại giảng đường với những học sinh thân yêu như truyền thống nhân văn ngàn đời của người Việt.

Có một nhà văn đã nói, đại để: Lòng nhân ái và sự bao dung đã cứu rỗi thế giới! Đúng như vậy, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám