Lời than thở “não nề” của ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
(Dân trí) - Vâng, không chỉ “não nề” mà rất, rất não nề khi ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT nói về việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long tại cuộc họp bàn phương án sửa chữa sáng 6/9 vừa qua.
“Việc sửa chữa lần này phải bền vững ít nhất từ 10 năm trở lên. Các đơn vị tham gia phải chịu trách nhiệm về chất lượng cầu. Không sửa được cầu Thăng Long thì cả ngành giao thông mắc cỡ (xấu hổ) với dân. Chúng ta có bao nhiêu giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư ở các viện, đơn vị mà mặt cầu Thăng Long sửa chữa không xong”. Ông Thể nói.
Có lẽ, cũng nên điểm lại đôi nét về cây cầu lịch sử của tình hữu nghị Việt - Xô này.
Đây là cây cầu được xây dựng xây dựng với thời gian kỉ lục, kéo dài tới 11 năm (1974 - 1985). Ban đầu, cầu do Trung Quốc giúp xây dựng nhưng đến năm 1978 , Trung Quốc cắt viện trợ và rút hết các chuyên gia về nước khiến cho công trình bị bỏ dở. Sau đó, Liên Xô tiếp quản.
Xét về lịch sử, đây là cây cầu thứ hai bắc qua sông Hồng, sau cầu Long Biên do người Pháp xây dựng từ những năm đầu thế kỉ 20. Tuy nhiên, khác với cầu Long Biên, từ cây cầu này đã giúp cho ngành cầu đường Việt Nam từng bước trưởng thành mà điển hình là cầu Chương Dương.
Đây cũng là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng do người Việt Nam thiết kế và công nhân Việt Nam trực tiếp thi công.
Nhớ lại thời gian đó, cầu Thăng Long và Thủy điện Sông Đà là những công trình thế kỉ. Mỗi ngày, có hàng đoàn người từ các địa phương đổ về hai địa điểm này để chiêm ngưỡng thành quả của khoa học kỹ thuật cũng như tình hữu nghị Việt – Xô.
Tuy nhiên, sau hơn 30 năm, lớp bê tông nhựa mặt cầu Thăng Long đang bị trượt trên bản thép gây xô dồn, nứt ngang mặt cầu. Khi xây dựng, Liên Xô làm lớp chống thấm và dính bám bằng keo đặc biệt phun lên bản thép, sau đó rải đá dăm tạo nhám gắn vào lớn keo này và thảm bê tông nhựa lên.
Cách đây gần 10 năm (2009), mặt cầu đã một lần phải sửa chữa và gần đây, tình trạng này tái diễn…
Chuyện sửa chữa cây cầu là chuyện không nhỏ nhưng lời “than thở não nề” của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lại là chuyện lớn.
Lớn bởi nó nói lên một thực trạng hiện nay không chỉ của ngành giao thông mà ở nhiều lĩnh vực khác. Đó là dù sở hữu một đội ngũ đông đảo các giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư ở các viện, đơn vị nhưng “con ốc vít” cũng phải đi nhập.
Công bằng thì những năm gần đây, ngành cầu đường Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc. Nhiều cây cầu lớn như cầu Bạch Đằng, Thanh Trì, Cần Thơ… do người Việt Nam cùng các chuyên gia nước ngoài xây dựng đã nói lên điều đó.
Song, với việc sửa chữa cầu Thăng Long, nếu “không sửa được cầu Thăng Long thì cả ngành giao thông mắc cỡ (xấu hổ) với dân. Chúng ta có bao nhiêu giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư ở các viện, đơn vị mà mặt cầu Thăng Long sửa chữa không xong” như lời của Bộ trưởng Thể.
Xin đừng để người dân nghĩ mình là “giáo sư mua”, “tiến sĩ giấy”…
Bùi Hoàng Tám