Liệu còn “đường...” nào nữa trong tương lai?
(Dân trí) - Đưa tàu Hải tuần 21 xuống Biển Đông, đầu tư khoản tiền khổng lồ 1,6 tỉ USD để phát triển cái mà Trung Quốc gọi là TP. Tam Sa. Đó là hai trong hàng loạt các hoạt động cấp tập của Trung Quốc trước ngày Luật biển của Việt Nam có hiệu lực (1/1/2013).
Về hành động điều tàu Hải tuần 21, theo ông Hoàng Hà, Phó Cục trưởng Cục Hải vụ Bộ Giao thông Trung Quốc, nhiệm vụ của con tàu này là giám sát an toàn giao thông đường biển, điều tra các sự vụ hàng hải, phát hiện ô nhiễm, tiến hành các hoạt động nghiên cứu, cứu hộ và thực thi các công ước quốc tế.
Thực tế, đây là loại tầu hiện đại, dài 93,2m, có khả năng hoạt động tới 7.408km mà không cần tiếp liệu. Tốc độ tối đa của chuyên hạm này đạt 22 hải lý/giờ (40,74km/giờ). Tầu còn có sân bay dành cho trực thăng dài 21m, rộng 11m...
Người đứng đầu Cục An toàn hàng hải Hải Nam, Nguyễn Thụy Văn “úp úp, mở mở”: "Trước đây, các cơ quan chấp pháp hàng hải tỉnh Hải Nam chỉ có thể bao quát các vùng ven biển và chưa bao giờ giám sát được các vùng biển xa. Sự kiện tàu Hải tuần 21 mới được đưa vào phiên chế đã chấm dứt lịch sử không có tàu chuyên tuần tra biển cỡ lớn ở vùng biển trên".
Phải chăng, đây là ý đồ ngang ngược của Trung Quốc nhằm tiến hành cái quyền tự cho mình lục soát các tầu bè trên Biển Đông của chúng ta theo cái mà chính quyền Hải Nam gọi là “bản quy chế sửa đổi”. Nội dung “bản quy chế” này quy định từ ngày 1/1/2013 cho phép các tàu tuần tra của Hải Nam quyền tiếp cận, khám xét và trục xuất các tàu mà họ cho là vi phạm quy định?
Hành động thứ hai, Trung Quốc chi một khoản tiền khổng lồ hơn 10 tỉ Nhân dân tệ (khoảng 1,6 tỉ USD) nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng phi pháp trên các hòn đảo ở Biển Đông và tăng cường việc chấp pháp trong khu vực. Động thái trên rõ ràng nằm trong chuỗi các hành động có tính toán của Trung Quốc nhằm độc chiếm và biến Biển Đông thành ao nhà của họ.
Tuy nhiên, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cũng như các nước trong khu vực không bao giờ cho phép Trung Quốc quyền đó. Gần đây, trả lời báo Tuổi trẻ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cho rằng Trung Quốc luôn có những tuyên bố khó hiểu về chủ quyền trên Biển Đông mà đường “lưỡi bò” là một vị dụ. “Chẳng ai có thể chứng minh nổi nó từ đâu ra, trên cơ sở pháp lý nào, được quản lý và sử dụng ra sao trong suốt bề dày lịch sử?... Và liệu còn “đường...” nào nữa không mà họ sẽ đưa ra trong tương lai?”.
Cũng trong bài báo trên, Tướng Vịnh tiếp tục khẳng định chúng ta không bao giờ nhân nhượng chủ quyền lãnh thổ: “Có thể đất nước ta có tham nhũng, lãng phí, có tiêu cực, có thể một bộ phận cán bộ suy thoái về đạo đức, nhưng tuyệt đại đa số nhân dân ta không ai có thể quên đi lợi ích quốc gia dân tộc, quên đi chủ quyền lãnh thổ”. Tướng Vịnh nói.
Người Việt Nam chúng ta là như vậy. Có thể trong cuộc sống còn có những bức xúc, thậm chí bất đồng. Thế nhưng khi chủ quyền thiêng liêng bị xâm phạm, nền độc lập quốc gia bị đe dọa thì triệu người như một, dẹp bỏ tất cả thù oán riêng tư đồng lòng bảo vệ đất nước, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Lịch sử dân tộc ta từ thủa Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lê Lợi, Nguyễn Huệ Quang Trung… đã hơn một lần nói lên điều đó và chắc chắn lịch sử những đất nước từng xâm chiến Việt Nam cũng không dễ để quên.
Vì vậy có thể nói, những hành động phi pháp của Trung Quốc chỉ càng hun đúc tình yêu đất nước và trách nhiệm đối với Tổ quốc của mỗi người dân Việt Nam dù đang sinh sống ở bất cứ nơi đâu trên trái đất.
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!