Làm sao để GDP luôn tăng trưởng cao mà giá hàng hóa vẫn rẻ?
(Dân trí) - Năm 2018- một năm khá thành công của những nỗ lực phát triển kinh tế đã qua đi. Dấu ấn đáng ghi nhận nhất: Tăng trưởng cao- GDP tăng cao nhất trong 11 năm, lạm phát thấp, giá cả ổn định, làm sao có thể duy trì tiếp trong năm nay và những năm tiếp theo?
Nhìn lại giai đoạn trước, khi các chính sách kích cầu trong các năm 2009-2010 không đạt hiệu quả như mong đợi khiến lạm phát tăng cao trở lại trong các năm 2011-2012, trong mấy năm gần đây, những nỗ lực mới của Chính phủ về chính sách tín dụng, cải cách môi trường kinh doanh đã đem lại ổn định khá cao cho nền kinh tế vĩ mô.
Điều đáng được giới doanh nhân trong và ngoài nước, các nhà đầu tư, các chuyên gia kinh tế đánh giá cao nhất chính là kết quả của những cố gắng đó: Từ năm 2013 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng hàng năm không còn năm nào ở mức 2 con số như thời kỳ trước đó mà thường xuyên ổn định dưới mức 5%- là mức mà Quốc hội nhiều năm cho phép (nhưng có nhiều năm còn duy trì ở mức 3-4%).
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế đã phục hồi trở lại và duy trì ở mức khá. Và tuyệt vời nhất là năm 2018, tăng trưởng kinh tế đã đạt 7,08%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2018. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ tăng 3,54%, dưới mức Quốc hội cho phép.
Người viết bài này còn nhớ, trước đây, một vị lãnh đạo Chính phủ trong một hội nghị điều hành với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có nêu lên một mong muốn: Giá như nền kinh tế của ta cũng giống như ngành viễn thông: Tăng trưởng luôn cao và giá thấp. Thì cho đến thời điểm này, ước muốn đó đã trở thành hiện thực.
Duy trì được mức tăng trưởng cao, trong khi giá cả hàng hóa ổn định, CPI thấp thực sự là một thành tựu lớn và không dễ gì đạt được và duy trì trạng thái đó trong một thời gian dài.
Các con số của Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng trước cũng đều cho thấy, con số tăng trưởng 7,08% đều không phải đáng nghi ngờ mà một loạt số liệu cho thấy, đó là những kết quả tích cực thực sự, do những nỗ lực mới đạt được: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012-2018. Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,89%, cao nhất giai đoạn 2012-2018.
Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện. Năm 2018, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 43,5%, bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 43,3%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,6% của giai đoạn 2011-2015.
Đáng chú ý, năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2%.
Bên cạnh đó, còn có 34.010 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm nay lên gần 165.000 doanh nghiệp.
Có thể nhìn thấy rõ một số chính sách lớn khác của Chính phủ nhiệm kỳ này thực hiện cũng đều đem lại hiệu quả cao: Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng khá ổn định nhờ việc Ngân hàng Nhà nước theo đuổi chính sách điều chỉnh tỷ giá trung tâm linh hoạt từ đầu năm 2016. Chính sách thuế được cải cách theo hướng cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 25% xuống còn 22% và tiếp đó xuống còn 20% kể từ năm 2016.
Môi trường kinh doanh dù còn nhiều vấn đề phải giải quyết nhưng tổng quan có thể thấy, nó đã được cải thiện đáng kể từ năm 2015 trở lại đây. Chính phủ đã liên tục ban hành các nghị quyết để cải thiện môi trường kinh doanh. Kể từ đó, nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được gỡ bỏ. Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện đáng kể, từ mức 98/185 năm 2012 lên mức 69/190 vào năm 2018. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã liên tục tăng kể từ năm 2015.
Mặc dù vậy, đến thời điểm này, Chính phủ vẫn còn có nhiều chuyện phải giải quyết như đánh giá của một số chuyên gia kinh tế: Cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước và cung ứng dịch vụ công tại Việt Nam diễn ra quá chậm chạp. Khó tìm được một con số nào tích cực ghi nhận kết quá quá trình cải cách này.
Bộ máy nhà nước theo như chính báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội kỳ họp cuối năm, vẫn cồng kềnh, kém hiệu quả nhưng đáng nói là ở thời điểm này, vẫn chưa có giải pháp nào đáng kể cho việc tinh gọn bộ máy.
Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất vẫn chưa đi vào thực chất. Do thiếu những chính sách nhất quán và rõ ràng, thay vì đổi mới sáng tạo, nhiều doanh nghiệp vẫn coi tìm kiếm đặc quyền, đặc lợi là giải pháp chính để phát triển.
Do đó, có thể nói, những kết quả của quá trình cải cách, thúc đẩy, phát triển nền kinh tế hiện đã khá rõ rệt. Nhưng làm thế nào để duy trì thành tựu: Tăng trưởng cao, lạm phát thấp trong những năm tới, không phải là chuyện dễ dàng.
Mạnh Quân