Làm lộ bí mật cá nhân - Một kiểu "giết người không dao"

(Dân trí) - Cuối tuần qua,  câu chuyện nữ ca sĩ trẻ Văn Mai Hương bị kẻ xấu tung các hình ảnh, clip nhạy cảm của cá nhân lên mạng xã hội khiến chúng lan truyền với tốc độ chóng mặt, một lần nữa đặt ra vấn đề: Cần phải có hình thức xử lý nặng hơn nữa với hành vi cố ý làm lộ bí mật cá nhân.

Làm lộ bí mật cá nhân - Một kiểu giết người không dao - 1

Đáng nói là video clip nói trên là những hình ảnh, clip cảnh thay quần áo được ghi từ camera an ninh được lắp đặt trong nhà của nữ ca sĩ. Có khả năng kẻ xấu đã xâm nhập vào hệ thống bảo mật và trích xuất các video này mà Văn Mai Hương không hề hay biết.

Cho đến thời điểm này, các đoạn clip nhạy cảm vẫn đang được lan truyền khắp mạng xã hội và gây nên nhiều phiền toái cho nữ ca sĩ trẻ nhưng đã rất nối tiếng Văn Mai Hương.

Đã có nhiều người trong đó có nhiều ca sĩ, người mẫu, biên kịch... lên tiếng chia sẻ, bênh vực Văn Mai Hương và lên án hành vi xấu xa của người có hành vi làm lộ, phát tán các video clip trên.

Phần lớn những ý kiến đó đòi hỏi cơ quan chức năng cần vào cuộc nhanh chóng, xử lý thật mạnh tay với những hành vi vi phạm đời tư cá nhân.

Đây là những ý kiến, kiến nghị rất xác đáng bởi từ rất lâu rồi, trong xã hội ở ta, tình trạng cố tình hay vô ý làm lộ thông tin bí mật cá nhân đã diễn ra khá phổ biến. Thỉnh thoảng, ở đâu đó, nó đã gây nên những hậu quả rất đau lòng.

Năm 2018, đã có một câu chuyện thương tâm xảy ra- hậu quả của tình trạng tiết lộ bí mật cá nhân:  Một em nữ sinh lớp 11 của một trường phổ thông trung học tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã tự tử, để lại bức thư với nội dung “con xin lỗi bố mẹ”.

Nguyên nhân dẫn đến cái chết đau lòng của em học sinh trên được cho là vì clip ghi lại cảnh em và một bạn trai trong lớp hôn nhau bị lan truyền trên mạng xã hội.

Đặc biệt, trong số đó có những fanpage, trang thông tin có hơn 1 triệu lượt người theo dõi như songlamplus.vn… đăng tải clip của nữ sinh này không che mặt.

Theo giáo viên chủ nhiệm của em, nữ sinh này là một học sinh ngoan ngoãn, học tốt nhất lớp. Cái chết của em nữ sinh trên đã  khiến gia đình và bạn bè hết sức bất ngờ, đau đớn.

Mặc dù Hiến pháp và Bộ luật Dân dự năm 2015 (điều 38), Bộ luật Hình sự hiện hành đã có quy định bảo vệ quyền về đời sống cá nhân, bí mật riêng tư, gia đình với những điều khoản rất cụ thể. Nhưng có thể nói tình trạng thiếu tôn trọng, cố ý phát tán thông tin, hình ảnh, bí mật cá nhân hiện nay đã rất nghiêm trọng. Nhất là khi mạng xã hội đang trở lên phổ biến, nhiều người có khi chỉ vì muốn câu like (lượt thích), bình luận (comment)... mà nhiều khi chỉ 1 click chuột đã đưa những thông tin nhạy cảm, có tính chất riêng tư, cá nhân của người khác lên mạng xã hội mà không lường trước hậu quả của nó.

Nhưng cũng có rất nhiều người hoàn toàn hiểu đó là bí mật cá nhân nhưng cố tình đưa thông tin đó lên mạng. Vụ việc xảy ra với Văn Mai Hương rất có thể là một hành vi cố tình do các đoạn clip được ghi nhiều lần, lắp ghép thêm, có biểu hiện là một hành động cố ý bôi nhọ.

Nguyên nhân của tình trạng trên có thể một phần là do quy định pháp luật bảo vệ quyền riêng tư với thông tin, hình ảnh cá nhân tuy đã có nhưng chúng vẫn còn rất "nhẹ" không đủ tính răn đe.

Cụ thể, theo điều 159, Bộ luật Hình sự năm 2015: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20- 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm: Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào; Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

Cũng theo điều luật trên, người  phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 02 lần trở lên; Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Làm nạn nhân tự sát. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-20 triệu đồng...

So sánh mức hình phạt với hậu quả do hành vi tiết lộ thông tin, bí mật cá nhân như trong các vụ việc vừa qua, chúng ta có thể thấy các mức phạt hiện nay là còn nhẹ.

Cho nên, ngoài việc cần điều chỉnh, nâng mức phạt với các hành vi xâm phạm, tiết lộ thông tin, bí mật đời tư của công dân, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần tăng cường tuyên truyền quy định pháp luật về vấn đề này hơn nữa.

Chỉ khi nào tất cả người dân hiểu rằng, quyền riêng tư của cá nhân với hình ảnh, thông tin là rất hệ trọng; mỗi người tự đặt mình vào tình huống: Cá nhân mình hay người thân, bạn bè của mình bị tiết lộ thông tin, bí mật cá nhân lên mạng thì hậu quả tệ hại thế nào, có lẽ, khi đó, tình trạng cố ý hay vô ý làm lộ, phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân mới giảm thiểu.

Mạnh Quân