Lách được quy định, luật pháp nhưng có lách được Covid-19 hay không?
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 trong phiên họp ngày 28/7 đã phải lưu ý các tỉnh thành "sẵn sàng tình huống dịch nặng như TPHCM".
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các tỉnh còn ít ca nhiễm cần thực hiện ngay việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm; tập huấn, thí điểm cách ly tại nhà đối với F1, giữ cho lực lượng y tế không bị quá tải khi dịch diễn biến phức tạp hơn nữa.
Các địa phương sớm chuẩn bị trung tâm cho F0 không triệu chứng, chăm lo đầy đủ sức khỏe và tinh thần để giảm thấp nhất tỷ lệ chuyển sang F0 có triệu chứng; thành lập các cơ sở điều trị có triệu chứng nhẹ phải có hệ thống ô xy tập trung, máy thở ô xy dòng cao…
Qua đó để thấy rằng, tình hình dịch bệnh trong thời điểm hiện tại đang rất căng thẳng, không hề có chỗ cho sự chủ quan và lơ là.
Chúng ta biết rằng, lây nhiễm SARS-CoV-2 chủ yếu do di chuyển và tiếp xúc. Trong khi đó, dòng chảy xã hội vẫn phải đảm bảo lưu thông trong chừng mực nhất định, đặc biệt là khi giãn cách xã hội, việc vận tải, cung ứng hàng hóa vẫn phải duy trì.
Tuy nhiên, chính bởi mỗi ngày giãn cách là một ngày "vàng", nền kinh tế phải gánh chịu thiệt hại rất lớn, thế nên sự tuân thủ nguyên tắc chống dịch trong giai đoạn này càng phải được đẩy lên cao.
Chỉ cần sai một li là đi một dặm. Nếu để thời gian vàng giãn cách qua đi một cách vô nghĩa, dịch không được kiểm soát mà còn phát sinh tình huống xấu thì chi phí cơ hội cùng những thiệt hại càng trở nên khó đong đếm hơn.
Đáng lo ngại là theo thông tin được nêu tại cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác vận tải giữa Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Sở GTVT 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc chiều ngày 2/8 cho hay, qua xét nghiệm tại các chốt kiểm soát, lực lượng chức năng phát hiện nhiều trường hợp lái xe dương tính với SARS-CoV-2.
Nhiều lái xe lợi dụng được cấp giấy thông hành tổ chức chở người trái phép như các trường hợp tại Hải Phòng, Sóc Trăng. Các trường hợp lây nhiễm Covid-19 tại Bình Thuận phần lớn là do nguồn lây từ đội ngũ lái xe vận tải.
Ngày 3/8, lãnh đạo UBND TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) cho biết, lực lượng chức năng phát hiện 2 tài xế lợi dụng xe chở hàng "luồng xanh" đưa 10 người từ vùng dịch vào địa bàn, không khai báo y tế.
Vậy là, từ vận chuyển hàng thiết yếu trở thành… vận chuyển hành khách. Hơn nữa, những "khách hàng" này lại còn mang theo rủi ro mắc Covid-19.
Đành rằng sự lo lắng về dịch bệnh ai cũng có. Chẳng ai mong muốn nơi mình đang sinh sống và làm việc lại bị dịch bệnh bao vây, phải lo cái ăn cái mặc, lo đến sự an toàn của bản thân. Thế nên, không ít trường hợp theo phản xạ sẽ rời khỏi vùng dịch càng sớm càng tốt. Thiết nghĩ, cũng bởi bản năng sinh tồn.
Tuy nhiên, đã là công dân, mỗi người đều phải có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, phải tuân thủ theo những quy định chống dịch của Nhà nước. Đừng chỉ vì nghĩ cho riêng bản thân mà tự tách mình ra khỏi những mối ràng buộc trách nhiệm ấy.
Nếu chẳng may gieo rắc bệnh dịch cho người thân nếu chẳng may bản thân mắc Covid-19 trong quá trình di chuyển và nếu chẳng may chỉ vì một vài cá nhân mà cả một địa phương lao đao vì bệnh dịch… Lúc đó, liệu người đó có lợi lộc gì hay không?
Cộng đồng lên án, luật pháp xử nghiêm và bất cứ ai vi phạm quy định chống dịch cũng phải bị trả giá. Song, tôi vẫn mong mỏi rằng, mỗi chúng ta trên tư cách là một công dân, ở vào thời buổi nhạy cảm này, hãy có trách nhiệm hơn với cộng đồng, cũng là đã sống cho bản thân và gia đình mình vậy!
Cứ cho là có thể lách được luật, lách được quy định, nhưng liệu lách được virus hay không? Chớ tưởng mình khôn mà làm dại!