Kỳ vọng vào một thế hệ cán bộ mới sau Hội nghị Trung ương 7
(Dân trí) - “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém” – lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhắc lại tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 7 khoá XII diễn ra sáng 7/5.
Như vậy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp được xem là một trong những nội dung quan trọng sẽ được bàn bạc, thảo luận, xem xét và quyết định tại Hội nghị này.
Tổng Bí thư chỉ ra rất rõ tình trạng yếu kém, tồn tại trong công tác cán bộ hiện nay: Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Không ít cán bộ, quản lý doanh nghiệp thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.
Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội, ... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi.
Đó có lẽ là bức tranh rất chân thực, trần trụi và cũng đầy nhức nhối hiện nay. Khi người đứng đầu cơ quan lãnh đạo cao nhất của đất nước nói ra điều đó, chứng tỏ, sự trục trặc trong công tác cán bộ đã đến hồi báo động và nhất thiết cần phải có sự sửa đổi nhanh chóng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến uy tín và vai trò của Đảng.
Không ai có thể chấp nhận được tình trạng đất nước vẫn còn nghèo, nhưng vẫn còn một bộ phận cán bộ đảng viên lợi dụng chức vụ quyền hạn để tư lợi cá nhân, làm giàu bất chính, gây ra những hậu quả lớn mà chính đất nước và nhân dân phải trả giá.
Sự thoái hoá biến chất, “tự diễn biến, tự chuyển hoá” của một số cán bộ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước đặt giữa bối cảnh xã hội hiện nay quả thực rất khó tránh. Song, những tiêu cực đó vẫn có thể hạn chế, tránh được và loại bỏ được nhờ sự nghiêm khắc của thể chế, sự chặt chẽ của quy trình lựa chọn, bổ nhiệm và giám sát cán bộ.
Điều quan trọng là hiện nay Đảng đã nhìn thẳng vào những then chốt trục trặc đó và quyết tâm sửa đổi.
“Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính - Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr. 261”. Lời dạy của Bác sau nhiều năm đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trong thời gian vừa qua, không ít cán bộ, đảng viên khi để xảy ra sai phạm đã bị kỷ luật và thậm chí bị xử lý trước pháp luật. Điều đó cho thấy, Đảng ta đã không hề vì “sợ mất uy tín và thể diện” mà đã mạnh mẽ làm trong sạch đội ngũ. Người viết tin rằng, chính nhờ đó, hơn bao giờ hết, niềm tin của người dân vào cơ quan lãnh đạo đã trở lại.
Và như đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân trong một bài viết đăng tải trên Dân trí ngày 7/5 đã đưa ra những tiêu chí nổi bật đối với cán bộ cấp chiến lược thời nay, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố: “họ là những người có lòng tự trọng và liêm sỉ”; “coi trọng danh dự, nhân phẩm của cá nhân và tập thể”; “ biết bảo vệ cái đúng, lên án cái sai”; “địa vị và quyền lực chỉ là điều kiện thực hành chính sự và cao hơn cả là uy tín cá nhân”.
Thiết nghĩ, đó cũng là mong mỏi và tin tưởng của người dân đối với một thế hệ lãnh đạo mới, không chỉ riêng với cán bộ cấp chiến lược mà bao gồm cả cán bộ cấp chiến thuật. Nhân phẩm cần là yếu tố tiên quyết với người làm cán bộ, đảng viên, chứ không phải là lý lịch, là tiền hay quan hệ!
Bích Diệp