Không thể mãi nghèo nàn

(Dân trí) - Kỳ thi tuyển sinh đại học đợt I đã khép lại. Rồi đây, các em sẽ trở về với ngôi nhà thân yêu của mình để sống trong tâm trạng phấp phỏng đợi chờ. Nhưng cho dù kết quả thế nào thì trong tâm trí tất cả sẽ là những kỉ niệm khó quên…

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đã nhiều năm nay, cứ vào dịp trung tuần tháng 7, cả nước lại vào mùa thi đại học. Và năm nào cũng vậy, đều để lại những ấn tượng khó phai mờ về tinh thần ham học của các em, sự hi sinh cao cả của bậc sinh thành và những tấm lòng nhăn văn, nhân ái của đồng bào nơi có địa điểm thi.

Trên các mặt báo, tràn ngập những tấm gương hiếu học của các em ở mọi miền quê hương đất nước. Đặc biệt là với những thí sinh nghèo vượt khó học giỏi. Các em ở các miền đất, từ Hà Giang đến mũi Cà Mau, từ những làng bản heo hút đầu non nơi biên ải Tổ quốc đến những làng xã xa xôi ngoài hải đảo. Vượt qua hàng ngàn km, vượt qua 12 năm học hành vất vả, các em đến trường thi với một mong muốn được tiếp tục trau dồi kiến thức để phục vụ bản thân mình và cống hiến cho quê hương.

Đồng hành cùng các em trong suốt 12 năm qua và đến với kỳ thi này là các đấng sinh thành. Đó là cụ bà Lê Thị Mậu, 75 tuổi 3 lần vào Nam ra Bắc dẫn cháu đi thi. Đó là bà mẹ người Chăm 52 tuổi, Từ Công Thị Hạnh vượt qua cái đau nhức của cánh tay gãy, đang bó bột trắng xóa từ Ninh Thuận đưa 2 con gái vào tận ĐắK Lắk dự thi vào Trường ĐH Tây Nguyên. Đó là anh Nguyễn Văn Trà, Gio Linh, Quảng Trị bán đến con gà cuối cùng để đưa đứa con tật nguyền dự thi vào ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học Huế. Đó là anh Hồ Văn Hanh cùng ở Quảng Trị đẩy xe lăn đưa người con bị tàn tật vì bom mìn là HồVăn Lai đi thi tại Đà Nẵng.

Nhiều và nhiều lắm những tấm gương người mẹ, người cha, người bà, người ông dẫn con cháu đến với trường thi năm nay.

Thế nhưng không thể không kể đến tấm lòng của đồng bào những nơi có địa điểm tuyển sinh. Ngoài đội ngũ sinh viên hùng hậu của chương tình “Tiếp sức mùa thi” còn có rất nhiều những tấm lòng nhân ái khác dang tay giúp đỡ các em. Đó là hàng ngàn thành viên trong “Gia đình Phật tử” ở mọi miền Tổ quốc sẵn sàng phục vụ bất kể ngày đêm không chỉ thí sinh mà cả người nhà các em mỗi khi có nhu cầu.

Đó có thể là chuyến xe chở sĩ tử, là nơi nghỉ trọ, là những suất cơm miễn phí hay chỉ là một ly trà đá trong ngày hè oi bức. Đặc biệt, có những sinh viên nghèo nhưng cũng không ngần ngại giúp đỡ hàng trăm thí sinh lớp đàn em như Nguyễn Xuân Tiến, sinh viên năm cuối ngành Báo chí, khoa Ngữ Văn, trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Ba năm qua, Tiến mượn phòng trọ, rồi chi trả điện nước và các vật dụng khác cho 370 lượt thí sinh, phụ huynh. Năm nay d kiến, Tiến tiếp tục giúp đỡ trên 150 thí sinh trong hai đợt thi đại học.

Nhưng cảm động nhất là trường hợp nữ sinh Đỗ Thị Thu Vân (Quảng Trị). Số tiền vẻn vẹn có 1.120.000 đồng chắt bóp từ mớ rau, hạt thóc dành để trang trải cho 2 kỳ thi (Huế và Đà Nẵng) của cô học sinh nghèo quê Quảng Trị đã không cánh mà bay. Chán nản, em đã định bỏ cuộc.

Bài báo “Nữ sinh nghèo bị mất hết tiền trước buổi thi đầu tiên” được đăng tải trên Dân trí đã nhận được sự chia sẻ của hàng vạn độc giả. Nhiều và rất nhiều người đã tỏ ý sẵn sàng giúp đỡ em ăn ở, sinh hoạt. Nhiều bạn đọc đã xin số điện thoại và số tài khoản từ em.

Khi viết những dòng này, chợt thấy dâng lên nguồn cảm xúc mãnh liệt. Một dân tộc với những người con hiếu học, giàu lòng nhân ái, yêu thương, giàu nghị lực như dân tộc Việt Nam chắc chắn không thể mãi là dân tộc nghèo nàn, lạc hậu.

Tổ quốc của chúng ta chắc chắn sẽ hùng cường, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!