Không thể không kêu lên: Phẫn nộ!
(Dân trí) - Đó là cảm giác của người viết bài này khi đọc thông tin cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương, Trường tiểu học An Đồng, An Dương, Hải Phòng bắt phạt học sinh Phương Anh (lớp 3A5) súc miệng bằng nước vắt giẻ lau bảng. Lý do, chỉ vì Phương Anh nói chuyện riêng trong lớp.
Gần đây, tình trạng bạo hành trong nhà trường xuất hiện khá nhiều với tần số cao, đủ mọi đối tượng và phương cách.
Khi thì thầy cô giáo đánh học sinh, khi thì phụ huynh hành hung thầy cô giáo, lúc thì trò bóp cổ thầy cô… Song, điều lo ngại nữa là đã xuất hiện nhiều hình thức “khủng bố” chưa từng thấy xảy ra trong lịch sử.
Gần đây nhất, ngày 5/4 tại Lệ Thủy, Quảng Bình, sau khi nghe thầy giáo nhắc nhở về hình xăm trên cơ thể, một học sinh THPT đã dùng dao bấm tấn công thầy giáo khiến thầy phải nhập viện cấp.
Cách đây chưa lâu, một phụ huynh đã bắt cô giáo quì xin lỗi học sinh 40 phút chỉ vì cô bắt con tôi quì thì tôi cũng bắt cô quì.
Rồi tiếp đến, một cô giáo đã hành hạ học sinh bằng cách 4 tháng liền không giảng bài, không giao tiếp trong các giờ học đã tạo sự căng thẳng cao độ trong tâm lý các em.
Lần này thì hình phạt không khác gì tra tấn kiểu trói chân tay rồi đổ nước xà phòng vào miệng được chính một cô giáo, “mẹ hiền” của các em đem ra áp dụng cho đứa học trò thân yêu chưa đầy 10 tuổi của mình.
Thành thực, người viết bài này không biết mùi vị của nước xà phòng hay nước vắt ra từ dẻ lau bảng nó như thế nào vì… không bị uống.
Song, ai đã từng đi học chắc chắn không thể không biết cái khăn lau bảng. Đó là tấm giẻ vừa bẩn, vừa hôi vừa nồng nồng mùi phấn rất kinh sợ. Nó gồm bụi phấn, bụi đất cộng với cả đống vi khuẩn, vi trùng lâu ngày làm tổ lưu cữu.
Dù 50 năm đã trôi qua, người viết bài này vẫn nhớ như in cái cảm giác giặt giẻ lau bảng trong phiên trực nhật. Nó có mùi rất ghê...
Thế mà một cô giáo lại bắt học trò uống cái thứ nước vắt ra từ cái giẻ thì quả là không thể hiểu nổi.
Nên phẫn nộ! Rất phẫn nộ!
Vụ việc này không thể không xử lý hình sự tội hành hạ trẻ em như lời Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) trên báo Dân trí: “Có thể khẳng định hành động trên của cô Hương đã phạm vào tội hành hạ trẻ em, đấy là chưa nói tới việc, cô không lường hết được những độc hại của nước giẻ lau bảng”.
Song, hàng loạt câu hỏi đặt ra trong các vụ việc gần đây là vì sao đạo đức người thầy lại sa sút đến như vậy? Nơi nào đã đào tạo ra cô giáo này? Điều gì đã khiến cô giáo này có hành động man rợ như thế? Và làm thế nào để chấm dứt tình trạng đáng báo động hiện nay?...
Thầy không trọng đạo đã là một bi kịch, thầy còn hành động dã man như tra tấn học trò thì hỏi còn gì tồi tệ hơn nữa? Nên không chỉ phẫn nộ mà còn đau lòng, rất đau lòng phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám