Không thể “hành” dân một lần nữa!
(Dân trí) - Với người dân, không ai muốn tài sản của mình mang tên người khác. Mặt khác, về đạo lý, không thể đem cái sai lầm của mình trước đây để “hành” dân một lần nữa, phải không các bạn?
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Hiện đang có cuộc tranh luận nảy lửa xung quanh việc có nên rút qui định phạt xe không chính chủ giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông – Vận tải. Theo đó, Bộ GT-VT kiên quyết đề nghị rút. Ngược lại, Bộ Công an kiên quyết đề nghị giữ. Theo qui định, khi có những ý kiến khác nhau, sự việc sẽ trình lên Chính phủ.
Vì sao có sự “mâu thuẫn” nhau trong một sự việc như vậy?
Về quan điểm của Bộ Công an, ông Trần Sơn Hà - Cục phó Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cho rằng quy định xử phạt cũng là nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nâng cao sự chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước...
Về phía Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng mức phí xử phạt tăng lên quá cao và quá trình triển khai thực hiện điều khoản này quá khó nên ít tính khả thi.
Có thể nói, các ý kiến trên không phải là không có cơ sở.
Song thực tế cuộc sống lại có phần nghiêng về ý kiến của Bộ GT-VT. Lý do là tuy không có con số chính xác nhưng hiện nay, lượng xe không chính chủ tương đối phổ biến.
Vậy vì sao lại dẫn đến hiện tượng này?
Có thể có nhiều nguyên nhân nhưng không thể không kể đến 3 nguyên nhân chính. Đó là việc thu thuế chuyển nhượng quá cao, nhất là đối với xe đã qua sử dụng. Chiếc xe chỉ là mặt hàng dân dụng như cái tủ, cái ti vi hay bộ bàn ghế. Thế nhưng phí chuyển nhượng lên đến 20%. Vì thế nên hiện Bộ Tài chính đang chỉnh sửa điều bất hợp lý này.
Thứ hai, việc làm giấy tờ sang tên đổi chủ rất phức tạp, phiền hà hay nói nhẹ hơn là chưa thuận lợi, mất nhiều thời gian.
Thứ ba, một nguyên nhân xuất phát từ một qui định trái với hiến pháp và pháp luật của chính ngành công an, sau đó đã bị hủy bỏ năm 2005. Đó là Thông tư 02 ra ngày 13/01/2003 qui định mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe máy. Báo cáo của UBTV Quốc hội đánh giá qui định này là: “… chưa phù hợp với hiến pháp và pháp luật, hạn chế quyền sở hữu của công dân được qui định tại điều 58 Hiến pháp năm 1992, và khoản 1, điều 221 của Bộ luật dân sự năm 1995".
Từ qui định “trái hiến pháp và pháp luật” này, người dân đã “lách luật” bằng cách mua “lốt” của những người không hoặc chưa có nhu cầu sử dụng xe. Trong 2 năm thực hiện thông tư trên (từ năm 2003 đến năm 2005), có lẽ đã có tới hàng chục vạn chiếc xe được đăng ký theo hình thức này.
Để sửa chữa những sai lầm từ các chính sách do chính mình tạo ra, đáng ra các cơ quan chức năng cần tạo mọi điều kiện khắc phục như hạ mức thuế, đơn giản thủ tục sang tên đổi chủ… để người dân có thể chuyển đổi nhanh nhất, thuận tiện nhất và với mức phí hợp lý.
Với người dân, không ai muốn tài sản của mình mang tên người khác.
Có ý kiến còn cho rằng việc xử phạt là... phạm luật bởi không tìm thấy bất cứ một điều khoản nào của luật do Quốc hội ban hành qui định người dân phải đăng ký quyền sở hữu đối với xe cơ giới (ô tô, xe máy...) khi xe được mua bán, cho, tặng.
Đó là chưa kể về đạo lý, các cơ quan liên quan không thể đem cái sai do mình gây ra trước đây để “hành” dân một lần nữa, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!