Bài toán dân nuôi bọn vi phạm pháp luật và "biệt phủ cho tù"

(Dân trí) - Tóm lại, đem đồng tiền mồ hôi, nước mắt của người lương thiện “nuôi báo cô” bọn vi phạm pháp luật có gì đó rất bất công. Bài toán ở đây là phải hóa giải sự vô lý này, song cũng phải kiên quyết ngăn chặn "biệt phủ cho tù".

Bài toán dân nuôi bọn vi phạm pháp luật và "biệt phủ cho tù" - 1

Thông tin từ Dân trí cho biết, tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi chiều 12/11, ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để giảm bớt áp lực quá tải trại giam, tiết kiệm ngân sách.

Trao đổi với báo chí, ông Phớc cho biết ý tưởng này xuất phát từ thực trạng các cơ sở giam giữ đang quá tải, ngân sách nhà nước phải chi một khoản rất lớn cho việc giam giữ.

“Đề xuất tù tại gia để giảm áp lực chi tiêu của ngân sách nhà nước. Tù tại gia áp dụng với những tội phạm không nghiêm trọng sẽ có tác dụng giáo dục tốt vì đánh vào lòng tự trọng của mỗi người”. Ông Phớc nói.

Tuy nhiên, ông Phớc cũng lưu ý rằng nếu được đưa vào luật phải quy định rõ trường hợp nào áp dụng, trường hợp nào không, mức án nào được hưởng, mức án nào không…

“Tôi nghĩ là những tội như cố ý gây thương tích hoặc vi phạm trong đối xử với bố mẹ, anh em… là những tội không nghiêm trọng. Còn với những tội nghiêm trọng thì phải đưa vào tù tập trung, cách ly khỏi xã hội”.

Tuy nhiên trên nhiều trang báo, ý kiến này có số đồng tình và phản đối ngang ngửa với nhau.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Nguyên phân tích: “Đã là phạm nhân thì phải có sự khác biệt. Tội phạm được đưa vào trại là để cải tạo, có cách ly để thi hành án. Lao động của phạm nhân là trong trại giam, tại các điểm sản xuất để tránh trốn trại, bảo đảm an toàn. Tôi không đồng tình cho phạm nhân ra lao động ở ngoài”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng “không đồng ý đưa hẳn ra ngoài”.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) - ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp phân tích: "Cá nhân tôi cho rằng nếu thực hiện tù tại gia, mà lại thiết kế buồng giam sắt hoặc gỗ đặt tại nhà của người bị án tù, nhốt họ vào đó, rồi hằng ngày cha mẹ, vợ chồng, con cái người ta nhìn thấy, phải chăm sóc thì rất đau lòng và cũng không phải là nhân văn"…

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng cho biết, đây mới chỉ là đề xuất của ĐB QH cho nên sẽ phải tiếp tục nghiên cứu và xem xét.

Về quan điểm cá nhân, người viết bài này cho rằng những ý kiến không đồng tình rất đáng suy nghĩ. Song, bài toán ở đây không phải là chọn cái tốt nhất mà chọn cái ít xấu nhất nên người viết bài này ủng hộ đề xuất của ĐB Phớc.

Lý do thứ nhất, như ĐB Phớc cho biết, hiện nhà tù đang quá tải. Việc bỏ đất đai, tiền của và một nguồn lực không nhỏ để giải bài toán này lúc này có gì đó chưa thuyết phục.

Thứ hai, tiền ngân sách là tiền thuế của những người dân lương thiện. Thế mà giờ đây, phải bỏ ra để nuôi báo cô những kẻ vi phạm pháp luật là bất hợp lý.

Thứ ba, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã áp dụng biện pháp này và đã thu được thành công cả ở lĩnh vực tiết kiệm ngân sách lẫn yếu tố giáo dục.

Tuy nhiên, cái khó nhất có lẽ là việc giám sát. Theo người viết bài này, cần gắn chip điện tử và trang bị hệ thống camera (tất nhiên nguồn kinh phí phải do phạm nhân hoặc gia đình họ chi trả) đồng thời sẽ trừng phạt thật nặng đối với những trường hợp vi phạm.

Trước mắt, nên áp dụng thí điểm với những tội danh ít nguy hiểm trên tinh thần tự nguyện. Phạm nhân nào có nhu cầu, phải làm đơn có sự bảo lãnh của gia đình để xem xét.

Đặc biệt là không chấp nhận tội nhân phạm những tội ác như hiếp dâm trẻ em, buôn bán ma túy... và tham nhũng tại gia để tránh "biệt phủ cho tù".

Tóm lại, đem đồng tiền mồ hôi, nước mắt của người lương thiện “nuôi báo cô” bọn vi phạm pháp luật có gì đó rất bất công và bài toán ở đây là phải hóa giải sự vô lý này.

Bùi Hoàng Tám