Không có đứa trẻ nào sinh ra để chết

(Dân trí) - “Xin lỗi” và “chịu trách nhiệm” là những từ quá xa xỉ, dù sao những người lớn chúng ta đã quen và đã chịu đựng. Nhưng với những đứa trẻ, chúng không đáng bị đối xử như thế.

 
Không có đứa trẻ nào sinh ra để chết - 1
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Không có đứa trẻ nào sinh ra để chết.

Mỗi ngày giở báo ra đều gặp ít nhất là một vụ về em bé mồ côi nào đó vừa bị bỏ rơi, một em bé bất hạnh vừa chết vì cha mẹ đánh ghen hay một em bé không may đã chết thương tâm vì tai nạn giao thông. Bất kỳ một buổi sáng nào trong  năm (có lẽ trừ mấy ngày tết nguyên đán) trong một bữa sáng ăn nhanh trên phố, vô tình giở báo ra là bắt gặp những cái chết thương tâm của trẻ em như thế. Những thông tin ấy nhiều vô kể, nhiều tới mức bạn sẽ đọc lướt qua, hoặc có thể không đọc. Và những thông tin ấy vẫn tăng lên mỗi ngày.
 
Những đứa trẻ vẫn bị chết với muôn vàn lý do khác nhau, mức độ khác nhau nhưng đều tang thương, thảm khốc như nhau và với những lý do… lãng xẹt.

Không có đứa trẻ nào sinh ra để chết.

Theo thống kê (năm 2010) của Bộ Y tế, nước ta trung bình mỗi năm có khoảng 2000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông (nghĩa là, có gần 6 trẻ em chết/ngày). Những con số ấy đang không ngừng tăng lên.
 
Việc trẻ em bị bỏ rơi cũng đang là vấn đề nhức nhối. Chỉ riêng ở bệnh viên Từ Dũ (TP. HCM), cứ 2 ngày lại có 1 em bé bị bỏ rơi (cũng có nghĩa, khoảng 180 em/năm). Con số này cũng không ngừng tăng lên.
 
Những con số khủng khiếp!
 
Những con số khủng khiếp với những người đã và đang làm cha, làm mẹ như tôi, như các bạn. Những con số ấy biết nói, biết tàn nhẫn như vốn tàn nhẫn.
Theo thông tin từ UNICEF, có hơn 2,6 triệu trẻ em ở Việt Nam cần được bảo vệ đặc biệt. Chúng ta không khó để tưởng tượng ra những hoàn cảnh cần được “bảo vệ đặc biệt”. Đó là những đứa trẻ vẫn ngày ngày xuất hiện trên truyền thông, những trẻ em lang thang cỡ nhỡ, trẻ em tật nguyền, trẻ em mồ côi, trẻ em bị ruồng bỏ, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trẻ em sống trong cảnh nghèo đói, trẻ em bị bạo hành, trẻ em bị xâm hại tình dục… Và cũng thông tin từ UNICEF, có một thực tế đang làm cho các vấn đề về trẻ em trở nên trầm trọng hơn, đó là Việt Nam chưa có hệ thống bảo về trẻ em một cách toàn diện cũng như chưa có dịch vụ bảo vệ trẻ em.
 
Thế nên trẻ em vẫn bị chết hàng ngày bởi trăm ngàn lý do khác nhau, những lý do dẫn đến cái chết đôi khi “hồn nhiên” đến mức nhẫn tâm. Ở đây, ngay cạnh chúng ta, một bé gái 8 tháng tuổi đã bị chết ở nhà trẻ tư. Một em bé 3 tuổi bị bố tẩm xăng đốt vì ghen tuông. Một em bé 3 tuổi khác đã chết vì tổ chức sinh nhật trên du thuyền. Và chỉ mới hôm qua, báo chí đưa tin một bé gái 10 tuổi bị xe bồn cán chết.
Tôi không còn đủ sức để đọc hết những thông tin ấy mỗi ngày.
 
Không có đứa trẻ nào sinh ra để chết. 
 
Chúng ta đã và đang nói nhiều đến sự phát triển an sinh xã hội, về sức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở khu vực châu Á, về sự hiện đại hóa, nhưng song hành cùng với tất cả những điều ấy, trẻ em vẫn bị bỏ rơi, trẻ em vẫn bị xâm hại tình dục, trẻ em bị bạo lực, trẻ em nghèo, trẻ em vẫn chết vì tai nạn giao thông… mỗi ngày càng nhiều hơn.
 
Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng. Thế giới phẳng như người ta vẫn nói đó là thế giới của sự bình đẳng, là sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, là sự hiện đại, nhân bản trong những mối quan hệ giữa những con người… Nhưng bạn thấy đấy, vẫn có rất nhiều những đứa trẻ “sinh ra để… chết”.
 
Không có đứa trẻ nào sinh ra để chết nhưng vì sao chúng vẫn bị chết đầy oan uổng? Ai phải chịu trách nhiệm về những cái chết đầy thương tâm đã và đang diễn ra hàng ngày? Và quan trọng hơn cả là làm thế nào để những đứa trẻ  sinh ra không còn bị chết tức tưởi chỉ vì sự vô tâm đến vô cảm của người lớn!?
 
Cuộc sống hiện đại, “xin lỗi” và “chịu trách nhiệm” là những từ quá đỗi xa xỉ, dù sao những người lớn chúng ta đã quen và đã chịu đựng. Nhưng với những đứa trẻ, chúng không đáng bị đối xử như thế.
 
Không có đứa trẻ nào sinh ra để chết.

Hiền Hương