Khi thẩm phán… “nghe điện thoại của người thân”

(Dân trí) - Thẩm phán là đại diện cho công lý nếu như bị khuất phục chỉ vì một cú alo thì làm gì còn là tòa án? Đã từng có dư luận về “án bỏ túi”, giờ lại thêm dư luận về loại án “điều khiển từ xa” thì dân thấp cổ bé họng khó có thể mong có công lý và luật pháp cũng khó có thể có được hai chữ: “nghiêm minh”.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Cứ ngỡ chuyện “gọi điện cho người thân” chỉ có trong Chương trình “Ai là triệu phú?” của bác Lại Văn Sâm hay các chiến sỹ cảnh sát giao thông phải nghe “huấn thị xin xỏ” thì giờ đây, nó còn xuất hiện cả trong các phiên tòa.

Mới đây, ngày 23/6, Quốc hội thảo luận về dự án luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), nhiều đại biểu đã có những góp ý rất hay, riêng cá nhân mình thích nhất và cũng… buồn nhất là ý kiến của đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam): “Tôi không dám đánh giá đội ngũ thẩm phán của cấp huyện hay cấp tỉnh yếu kém, nhưng dù có đảm bảo đủ tất cả trình độ năng lực, kể cả bản lĩnh nữa nhưng dù có bản lĩnh trời đi nữa mà một "alô" tới là thôi rồi, khó lắm”.

Nói thích bởi ngay tại diễn đàn Quốc hội, một đại biểu đã nói thẳng ra chuyện mà có lẽ ai cũng biết nhưng chưa (hoặc không) nói ra. Đó là những cú “alo bất thường” nhưng đã trở nên… bình thường trong một xã hội… không bình thường.

Song, nói buồn là bởi lại một lần nữa, chuyện “thâm cung bí sử” của ngành cầm cân, nảy mực lại được phơi bày ra trước công chúng.

Cách đây ít lâu, một đại biểu Quốc hội đồng thời là Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đã “tiết lộ” một chuyện “động trời”, đó là Cố Chánh án Trịnh Hồng Dương. khi ông nói đại để án dân sự xử thế nào cũng được.

Ngay lập tức, câu nói rất thật của người đứng đầu ngành tòa án đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận và cả đại biểu Quốc hội.

Sau đó ít lâu, người kế nhiệm là Chánh án Nguyễn Văn Hiện trong phiên trả lời chất vấn vào tháng 11/2006, cũng “tơi bời” bởi câu nói “vơ vét”, “chiếu cố” trong bổ nhiệm nhân sự, (theo báo Tuổi trẻ, bài “Vơ vét” để có đủ thẩm phán).

Giờ thì đến một người “ngoại đạo” là ĐB Ngô Văn Minh nói về “những cú alo” mà một thẩm phán dù có “bản lĩnh trời đi nữa” cũng bó tay xin hàng.

Vậy cái cú “alo” ấy của ai mà khiến một vị thẩm phán nào đó đang “Nhân danh nước Cộng họa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” dù có “bản lĩnh trời đi nữa” phải “khuất phục”?

Chắc chắn đó không phải là cú điện thoại của những người bình thường rồi.

Vậy lý do gì khiến những “siêu nhân” đó phải alo? Nguyên nhân thì nhiều, vô cùng nhiều. Có thể là người nhà, con cháu. Cũng có thể là em ông B, anh bà C. Cũng có thể là thuộc “mối làm ăn” và cũng có thể là cú điện thoại “có mệnh giá”.

Chao ôi!

Thẩm phán là đại diện cho công lý nếu như bị khuất phục chỉ vì một cú alo thì làm gì còn là tòa án?

Đã từng có dư luận về “án bỏ túi”, giờ lại thêm loại án “điều khiển từ xa” thì dân thấp cổ bé họng khó có thể có "giấc mơ công lý" và luật pháp cũng khó có thể có được hai chữ: “nghiêm minh”.

Chợt nhớ về vụ kỳ án 194 phố Huế kéo dài mấy năm với bao nhiêu bài viết trên các báo Nhân dân, Thanh tra, Dân trí, VTV... nhưng đến nay vẫn còn “trắc trở”. Bởi trong khi Viện Kiểm sát đề nghị mức án 5-6 năm tù giam cho bị cáo Trịnh Ngọc Chung thì vị thẩm phán Ngô Tiến Phong lại tuyên 30 tháng tù cho hưởng án treo. Hi vọng ở đây không có cú “alo bất thường” nào....

Bùi Hoàng Tám

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!