Khi “sân trường” – “lớp học” còn biến thành… “chiến trường”!

(Dân trí) - Khi nào mà sân trường, lớp học còn biến thành “chiến trường” thì lúc đó thất bại không chỉ của riêng ngành giáo dục.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Vào Google thời điểm 14 giờ 45 phút ngày 30/3/2015, truy tìm cụm từ “học sinh đánh nhau” sẽ cho thấy khoảng 1 triệu 160 ngàn kết quả với đủ các hình thức từ đánh nhau “tay đôi” tới “đánh hội đồng”, từ nắm tóc, “lột đồ” đến dùng “vũ khí nóng”.

Hậu quả của những “cuộc chiến” này cũng rất đa dạng, từ sứt đầu mẻ trán đến cả tử vong. Đã có không ít các em học sinh mang thương tích nặng và cả mất mạng vì việc ẩu đả tuổi học trò.

Cũng đã có không ít những cuộc học trò đánh nhau dù không để lại thương tích trên thể xác nhưng tổn hại rất nguy hiểm về tinh thần mà em Q.T.P.Hà, học sinh lớp 11 Trường THPT Tử Đà, tỉnh Phú Thọ gần đây là một trong số những nạn nhân đó.

Cách đây mấy tháng, Hà đã bị các bạn cùng lớp đánh hội đồng mặt mày thâm tím, môi chảy máu, không ăn ngủ được nhiều ngày vì hiểu lầm từ những dòng trạng thái em viết trên mạng xã hội Facebook.

Sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã cảnh cáo các học sinh tham gia đánh em còn Hà tạm thời phải nghỉ học để gia đình chăm sóc.

Do tổn thương tinh thần nặng nề nên ít lâu sau, em thu mình sống một cuộc sống lầm lũi, không giao tiếp với người khác. Ngay cả với mẹ, em cũng không nói bằng lời mà dùng cử chỉ, hoặc viết ra giấy.

Rất may mắn, Chương trình Chuyển động 24 của VTV ngày 29/3 vừa qua cho biết, sau nhiều tháng chữa trị bằng phương pháp điện châm của các bác sĩ bệnh viện Châm cứu Trung ương, Hà đã bắt đầu nói trở lại dù còn khó khăn

Thật xót xa khi những câu nói đầu tiên của em là nỗi nhớ thầy, nhớ lớp, nhớ bè bạn và khát khao được trở lại trường lớp: "Bây giờ em rất vui. Em cảm ơn. Em muốn trở về nhà gặp mẹ và em muốn đi học trở lại. Em nhớ thầy, nhớ bạn bè, nhớ trường".

Xin chúc mừng Hà, chúc mừng và cám ơn các bác sĩ Bệnh viện Châm cứu Trung ương.

Song, con đường trở về với trường, với lớp của Hà bây giờ không hề đơn giản. Đó là sau một thời gian nghỉ học dài ngày, việc học tập chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Điều này cần lắm sự quan tâm của các thầy, các cô và bạn bè trong lớp.

Về tâm lý, việc trở về với vòng tay bạn bè trong lớp không hề đơn giản bởi dù Hà có thật lòng tha thứ thì các bạn đã tham gia đánh em trước đây cũng không khỏi “ngại ngùng” mà xa lánh.

Để em Hà thực sự trở lại với trường, với lớp và đặc biệt là với bạn bè đã có những hành động không hay với em trước đây, có lẽ nhà trường nên tổ chức một “Lễ tạ lỗi” như đề xuất của PGS.TS Mạc Văn Trang. Việc làm này một mặt thức tỉnh lương tri, các em có lỗi tự nhận ra lỗi lầm của mình, thật lòng sám hối và quan trọng hơn là gíup các em ”xí xóa” những lỗi lầm non trẻ, gần gũi và thương yêu nhau.

Chỉ khi nào làm được việc này thì con đường trở lại lớp, lại trường của Hà mới thực sự thành công.

Song, dù thế nào thì tất cả những việc làm trên chỉ là giải quyết hậu quả của những việc đã xảy ra rồi. Cái gốc là làm sao để không còn nữa những “bạo lực học đường”, để tra tìm những “cụm từ buồn bã” trên Google như “học sinh đánh nhau” không hoặc có chỉ là rất và rất rất cá biệt.

Khi nào mà "sân trường" - "lớp học" còn biến thành “chiến trường” thì lúc đó thất bại không chỉ của riêng ngành giáo dục.

Bùi Hoàng Tám

.

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!