Khi những tấm biển "trường quốc tế" rơi xuống...

(Dân trí) - Câu chuyện thương tâm về bé trai 6 tuổi trường Gateway chết trên xe đưa đón học sinh vẫn chưa lắng dịu trong dư luận thì tấm biển "trường quốc tế" với ngôi trường này và một loạt trường khác tại Hà Nội bị gỡ, đục bỏ chữ "quốc tế" cuối tuần qua tại Hà Nội lại khiến người ta phải quan tâm ở một vấn đề khác.

Khi những tấm biển trường quốc tế rơi xuống... - 1

Cụ thể, như nhiều tờ báo đã đăng tin, cuối tuần qua, ngôi trường đã để xảy ra vụ tử nạn thương tâm với cậu bé 6 tuổi- Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway" đã được sửa tên thành "Trường Tiểu học & Trung học cơ sở Gateway".

Đáng chú ý nữa, sau trường này, một loạt trường khác cũng đục bỏ chữ "quốc tế" hoặc gỡ bỏ hẳn biển hiệu có chữ "quốc tế" thay bằng tên trường khác. Ví dụ: Trường Mầm Non Montessori, ở Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính (Hà Nội) xóa bỏ dòng chữ tiếng Anh trên biển hiệu của trường. Tuy nhiên trên website của nhà trường, danh xưng "International" vẫn còn.

Trường Quốc tế Việt - Hàn Montessori (số 5 Tô Hiệu, Hà Đông, Hà Nội) cũng tháo dỡ biển hiệu. Trường Mầm non Quốc tế IQ và Tiểu học Quốc tế IQ (số 55, Lê Lai, Hà Đông, Hà Nội) mới dán lại biển chỉ dẫn tên trường và bỏ hoàn toàn danh xưng quốc tế...

Cho đến lúc các trường này gỡ bỏ chữ "International" (quốc tế) khỏi biển tên của trường, khỏi trang chủ (website) của họ, người ra mới vỡ lẽ ra rằng, phần lớn các trường tự đề tên là "trường quốc tế" là do lãnh đạo trường đó tự gắn mác đó vào, nhằm quảng cáo, thu hút học sinh chứ chẳng ai công nhận cho họ.

Việc nhiều trường xưng danh "quốc tế" như vậy, vừa qua đã được lãnh đạo cơ quan quản lý giáo dục các cấp và các luật sư cho là "vi phạm pháp luật". Và đến đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mới cho biết sẽ công bố các trường quốc tế trên địa bàn, đồng thời thanh tra và xử lý các trường gắn mác quốc tế.

Trả lời báo chí, ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã khẳng định: Các trường tự gắn mác quốc tế là không đúng quy định. Thanh tra Bộ này đã đề nghị Sở Giáo cục và Đào tạo Hà Nội tổ chức kiểm tra các trường mang danh quốc tế trên địa bàn thành phố.

Như vậy, đến đây có một câu hỏi được đặt ra: Nhiều trường tự gắn mác "quốc tế" vào tên trường mình là chỉ cho "đẹp" tên trường, hay cố ý gây hiểu nhầm, lừa gạt nhiều gia đình, thu hút học sinh để thu lợi?. Chính vì ý thức được việc của mình là sai, nên ngay sau khi báo chí, mạng xã hội, nhiều chuyên gia giáo dục, các luật sư lên tiếng, họ đã vội vàng gỡ, đục bỏ cái chữ "quốc tế" trên biển hiệu trường mình?.

Và sự vội vàng đó cũng đã dẫn đến những việc làm khá nhếch nhác và cẩu thả như gỡ bỏ chữ "quốc tế" ở cổng trường nhưng có chỗ còn quên gỡ trên trang chủ; có chỗ còn dùng giấy, viết lem nhem, dán đè lên tên cũ của trường... rất phản cảm, không được sang trọng như những quảng cáo, giới thiệu về họ, như một số tờ báo đã phản ánh.

Trong nhiều năm qua, nhiều hộ gia đình có mức sống, thu nhập cao ngày càng tăng và nhu cầu để cho con cái được học trong những ngôi trường có phương pháp đào tạo tiên tiến, chất lượng giáo dục cao là cấp thiết. Cho nên đã xuất hiện nhiều trường học được đầu tư lớn về cơ sở vật chất, về giáo trình, phương pháp dạy học, đội ngũ giáo viên có trình độ cao cũng là chuyện tự nhiên.

Nhưng lợi dụng vào điều đó, tự gắn những cái mác, tên gọi hào nhoáng, không đúng quy định để cạnh tranh, thu hút học sinh như cách làm của một số trường như vừa qua dẫu chưa bị cơ quan nào quy kết là "lừa đảo" thì cách làm đó quả cũng đáng xấu hổ, không phù hợp với các cơ sở giáo dục.

Những người quản lý, điều hành các trường đó, sao không thấy rằng: Vẫn còn rất nhiều trường, họ chẳng cần danh xưng "trường quốc tế", nhưng bằng chất lượng, trình độ của đội ngũ thầy cô giáo trong trường, bằng phương pháp đào tạo, giáo trình đào tạo tiến bộ, họ vẫn thu hút được đông học sinh tham gia? Đó mới là "hữu xạ, tự nhiên hương" chứ còn làm mấy cái thủ thuật đặt tên trường cho sang, cho "kêu"... để quảng cáo, thì chỉ là cách làm lem nhem, thật không phải lối.

Mạnh Quân