Khi nhân tài "đột nhiên" về nước
(Dân trí) - "Quán quân Đường lên đỉnh Olympia mùa 6 Lê Vũ Hoàng trở về nước", thông tin này được nhiều tờ báo đăng tải và chỉ đọc tiêu đề thôi, chúng ta cũng thấy: đây hẳn là một sự kiện đáng chú ý.
Vì sao sự trở về của một cá nhân lại đáng được chú ý đến thế? Bởi đó là một quán quân Olympia, và như chúng ta vẫn mặc định, đó là một nhân tài.
Sau khi đăng quang Olympia mùa thứ 6, Lê Vũ Hoàng sang du học ở Úc, có bằng cử nhân ngành Điện tử của Đại học Swinburne, Tiến sĩ nghiên cứu về Quang học lượng tử và laser tử ngoại. Cũng như phần lớn các quán quân Olympia khác, anh ở lại Úc.
Lê Vũ Hoàng khởi nghiệp thành công và được cho là "quán quân Olympia giàu có nhất". Tôi không chắc Lê Vũ Hoàng có giàu nhất hay không, nhưng chừng đó thôi cũng có thể thấy anh là một người năng động và thành công. Cũng vì sự thành công đó ở nước ngoài nên khi có tin Lê Vũ Hoàng về nước làm việc, nhiều người tỏ ra bất ngờ, coi đây là một sự kiện… hiếm có!
Trải qua 21 mùa Đường lên đỉnh Olympia, ngoài Lê Vũ Hoàng, cho đến nay theo thông tin mà báo chí công bố mới chỉ có 2 quán quân Olympia trở về nước là Phan Đăng Nhật Minh (mùa thứ 17) và Phan Mạnh Tân (mùa thứ 2).
Ta nên vui hay nên buồn vì điều đó? Vui vì đất nước đón về một nhân tài, hay buồn vì dường như chúng ta đã quá quen với hiện tượng "chảy máu chất xám", mặc định như một điều đương nhiên vậy?!
Mấy năm trước, tôi hỏi người bạn mình - một kỹ sư - đang định cư ở Pháp, rằng bạn có ý định về nước không. Bạn tôi trả lời: Vấn đề không phải muốn về hay không, mà về thì làm gì. Tôi cứ băn khoăn mãi về điều đó, chẳng phải với một đất nước đang phát triển, chúng ta có rất nhiều thứ để làm và để sáng tạo hay sao?!
Một người bạn khác chuyên về ngành trí tuệ nhân tạo (AI) ở Nhật Bản thì nói, vì hoạt động nghiên cứu rất đặc thù, "ngốn" quá nhiều kinh phí nên nếu về nước, bạn rất khó có cơ hội để phát triển.
Và rồi còn rất nhiều, rất nhiều lý do khác, từ thu nhập đến chất lượng sống. Cũng như việc vì sao ngày càng nhiều những ngôi làng triệu phú ở nông thôn, họ giàu lên vì có người thân xuất khẩu lao động. Những thế hệ thanh niên trưởng thành, ở độ tuổi nhiệt huyết nhất và sung sức nhất, họ thường tìm cơ hội để xuất ngoại ít năm, kiếm vốn liếng để sau này trở về tính kế khởi nghiệp.
Một số người từng trách móc các du học sinh Việt Nam sau khi hoàn tất chương trình đã nhất quyết ở lại nước ngoài, không về nước. Một số người bị chỉ trích khá nặng nề, bị đánh giá là "vô ơn". Song, cá nhân tôi cho rằng, việc đi hay ở là quyết định của mỗi người, là quyền tự do của họ. Và tôi biết, có những người không hề mong phải sống đời tha hương, nhưng lựa chọn trở về lại có những rào cản nhất định.
Nhà vô địch Olympia Lê Vũ Hoàng từng chia sẻ về sự trở về như sau: "Quan trọng cách mình đóng góp thế nào chứ không phải mình làm việc ở đâu. Điều kiện ở đây tốt hơn, mình có điều kiện hoàn thành công việc nghiên cứu. Thứ mình đóng góp cho đất nước khi đó chính là các dự án liên kết. Chứ bản chất của mình là nhà nghiên cứu, nếu được làm điều mình thích, có điều kiện cho bản thân nghiên cứu thì công ty nào đầu tư như thế thì đương nhiên mình sẽ cân nhắc trở về".
Lần hồi hương này của Lê Vũ Hoàng cùng gia đình tôi không rõ dài bao lâu, một vài năm hay lâu hơn, hay là về hẳn… song đây cũng là một tín hiệu vui, dường như môi trường sống và làm việc ở Việt Nam đã "mở" hơn và có tính cạnh tranh hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tài.
Một nghiên cứu của HSBC công bố tháng 10 năm ngoái cho thấy, 83% chuyên gia nước ngoài ở Việt Nam cảm thấy lạc quan về cuộc sống. Việt Nam đứng thứ 5 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương về những nơi đáng sống và làm việc nhất trong năm 2021 của chuyên gia nước ngoài. Trên toàn cầu, Việt Nam thăng 3 bậc, vươn lên hạng 19.
Những con số biết nói này để chúng ta lạc quan hơn, rằng đã sự đổi thay tích cực trong thực tiễn cuộc sống. Việc sản sinh, đào tạo nên những nhân tài là một việc khó, nhưng giữ chân và thu hút nhân tài về Việt Nam và ở lại Việt Nam làm việc, cống hiến còn khó hơn rất nhiều. Đó là một cuộc cạnh tranh trong cải cách môi trường giáo dục, môi trường kinh doanh, cải cách về tiền lương và cải cách về thể chế.
Khi mà trí tuệ, nhân tài được trọng dụng, khi mà những tiêu chí để tuyển việc hay thăng tiến loại bỏ hẳn lời nguyền "thứ nhất quan hệ, thứ nhì hậu duệ, thứ ba tiền tệ", khi mà mỗi người tự tin sống bằng năng lực của bản thân thì khi đó chẳng có lý do gì để lo lắng về việc "chảy máu chất xám", vuột mất nhân tài.