Khi mắc lỗi, có nên tự đề nghị hình thức kỉ luật?
(Dân trí) - Xin lỗi là điều đáng hoan nghênh nhưng sửa lỗi mới là điều quan trọng. Bởi nếu như xin lỗi chỉ để xin lỗi thì chưa đạt tới ý nghĩa cần có…
Có thể nói gần đây, việc một cá nhân, một tập thể nhận lỗi và xin lỗi nhân dân không còn là chuyện lạ. Đây là một tín hiệu đáng mừng của một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Khi mắc lỗi, có lỗi thì nhận lỗi, xin lỗi.
Thế nhưng dù nhận lỗi, xin lỗi là điều đáng hoan nghênh thì sửa lỗi mới là điều quan trọng. Bởi nếu như xin lỗi chỉ để xin lỗi thì chưa đạt tới ý nghĩa cần có.
Nhận lỗi là quý, thành thật sửa lỗi còn đáng quý hơn. Đành rằng, bất cứ một tập thể hay cá nhân nào dù sáng suốt đến đâu cũng khó tránh khỏi những lỗi lầm. Thế nhưng ở vị trí càng cao, một sai lầm dù rất nhỏ cũng có những ảnh hưởng không hề nhỏ. Một quyết định sai lầm có thể khiến bao gia đình khốn khó, lao đao, thậm chí có thể dẫn đến sụp đổ cả một nền kinh tế, nguy hại đến quốc gia, dân tộc…
Do đó, càng có chức vụ cao thì càng phải cẩn trọng để tránh những lỗi lầm dù nhỏ nhất.
Tuy nhiên, có những “lỗi” có thể “xin” nhưng có những lỗi thì không thể. Đối với những lỗi lầm nhỏ, ngoài ý muốn và tầm ảnh hưởng không lớn thì có thể thể tất. Nhưng với những lỗi lầm có tác động lớn đến xã hội, dù không cố ý, thì không thể chỉ “xin lỗi” mà nên tự đề nghị để được nhận hình thức kỉ luật tương xứng. Đó chính thực hiện Nghị quyết Trung ương về phê bình và tự phê bình trong Đảng.
Có lẽ chính vì vậy, tại hội nghị Trung ương 6 vừa qua, tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đề nghị được nhận một hình thức kỉ luật cho mình. Dù sau đó không được Ban chấp hành Trung ương chấp thuận nhưng đây chính là cách hành xử nghiêm khắc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với những khuyết điểm vừa qua.
Đất nước, nhân dân không chỉ mong muốn các vị lãnh đạo nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi mà mong muốn hơn là không để xảy ra những lỗi lầm lớn đến mức không thể xin lỗi.
Trở lại với nhận lỗi của Bí thư TP HCM, có thể nói những “lỗi” ông nêu ở đây khá nghiêm trọng. Đó là: “Chưa ngăn chặn và khắc phục được tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ và đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.
Vấn đề ở đây là vì sao lại để xảy ra tình trạng như trên và các vị có trách nhiệm sẽ hành xử như thế nào đối với những “lỗi” khá nghiêm trọng này? Rồi câu hỏi “một bộ phận không nhỏ” có những sai phạm cụ thể như thế nào, là những ai cũng nên được nêu rõ như mong muốn của cử tri đã nhiều lần đề đạt với các vị đại biểu Quốc hội.
Dù nhân hậu, bao dung nhưng nhân dân luôn mong muốn các vị có trách nhiệm khi thấy có lỗi thì tự đề nghị được nhận một hình thức kỉ luật tương xứng.
Theo tôi hiểu, nếu đúng, việc tập thể Bộ Chính trị đã nghiêm khắc tự đề nghị được nhận một hình thức kỉ luật tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua chính là một tấm gương để các bộ, ban ngành và địa phương noi theo.
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!