Khi lãnh đạo là “đèn giời” xa tít tắp!

(Dân trí) - Ăn lương của dân, hưởng lộc của nước mà khi có việc lại “tránh mặt” dân, xa cách dân như ngọn “đèn giời” tít tắp thì tốt nhất là họ nên nhường chỗ cho người khác, phải không các bạn?


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Trong khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cán bộ, đảng viên phải vì dân, gần dân, trọng dân; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết tâm xây dựng một chính phủ liêm chính, lấy việc phục vụ nhân dân làm nhiệm vụ hàng đầu thì không ít lãnh đạo các tỉnh như ngọn “đèn giời” xa tít tắp.

Báo VOV, bài “Bí thư, Chủ tịch tỉnh “tránh mặt" dân, xử lý trách nhiệm thế nào?” phản ánh ý kiến của nhiều luật sư cho rằng “khó khăn nhất hiện nay là việc chính quyền địa phương ở nhiều nơi không tôn trọng Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, nên “tránh mặt” dân khi họ đến trụ sở UBND các cấp để khiếu nại, tố cáo. Vì thế, dẫn đến tình trạng người dân khiếu nại vượt cấp, kéo dài. Có những vụ việc kéo dài đến cả chục năm, thậm chí vài chục năm do chính quyền các cấp đùn đẩy, không giải quyết dứt điểm”.

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kể: “Năm ngoái, trong chương trình phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan, tôi dẫn một đoàn gồm nhiều luật gia, luật sư, đại diện Bộ Tư pháp, Thanh tra… đi giám sát một vụ ở Tây Ninh. Đây là vụ thi hành án mà 15 năm nay không giải quyết, không thi hành, kể cả khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh án Tòa án NDTC đều khẳng định vụ án này đúng. Chúng tôi đã làm việc với Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng ban chỉ đạo thi hành án hứa là sau Đại hội Đảng các cấp sẽ xử lý. Nhưng đến giờ này, vẫn chưa xử lý. Như thế người dân sẽ mất lòng tin”.

Luật sư Nguyễn Văn Xướng bày tỏ: “Có rất nhiều lần tôi đã làm việc với các tỉnh về các vụ việc cụ thể, việc gặp được đồng chí lãnh của UBND tỉnh là rất khó mặc dù việc đó đã rất rõ ràng. Chúng tôi đề nghị gặp không chỉ bằng căn cứ pháp luật mà còn bằng cả tình cảm, trên mọi phương diện nhưng đều không gặp được. Khi chúng tôi đã tiến hành bằng các biện pháp khác, bằng các văn bản kiến nghị thì cũng không được trả lời. Đây là việc khó nhất khi làm việc ở chính quyền địa phương”.

Đó chỉ là hai trong số các ý kiến bày tỏ bức xúc về vấn đề này.

Tiếc thay, những hiện tượng như ở Tây Ninh mà ông Pha và các luật sư phản ánh không phải hiếm, dẫn đến tình trạng người dân đổ về Thủ đô khiếu kiện vừa mất an ninh trật tự, vừa gây áp lực cho cơ quan trung ương, vừa gây tốn kém, vất vả cho bà con, tạo hình ảnh không đẹp về đất nước.

Vì sao lại có tình trạng lãnh đạo mà cụ thể ở đây là Bí thư, Chủ tịch một số tỉnh tránh mặt dân?

Có thể có nhiều lý do nhưng có lẽ không ngoài mấy lý do sau.

Thứ nhất, các vị đó không đủ năng lực để giải quyết sự việc. Thứ hai, sự đùn đẩy trách nhiệm, hi vọng “để lâu… hóa bùn”. Thứ ba, giải quyết những vụ việc rất mất thời gian mà thường là không mang lại… “bổng lộc” gì. Thứ tư, sự xa dân, rời dân đã khiến họ trở nên “vô cảm”, không biết đau nỗi đau của dân, buồn nỗi buồn của dân và thậm chí, uất ức nỗi uất ức của dân…

Vì thế, không để cho họ thoái thác nhiệm vụ mà Đảng và Dân giao phó, cần phải có chế tài như đề nghị của Luật sư Nguyễn Mạnh Hà: “Chúng tôi đề nghị MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan tham mưu lại Đảng, Nhà nước nên có cơ chế nếu chính quyền địa phương không giải quyết những vấn đề như vậy thì họ phải chịu trách nhiệm như thế nào. Vì có rất nhiều công văn chuyển về nhưng không bao giờ được giải quyết”.

Ăn lương của dân, hưởng lộc của nước mà khi có việc lại “tránh mặt” dân, xa cách dân như ngọn “đèn giời” tít tắp thì tốt nhất là họ nên nhường chỗ cho người khác, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám