Khi đài kỷ niệm đổ cùng lúc với trường học sập

(Dân trí) - Ngay sau vụ cụm tượng đài "Chiến thắng" ở thành phố Bắc Kạn vừa bị gãy đổ lại xảy ra chuyện một trường học ở Lâm Đồng bị sập sàn, khiến 10 em học sinh phải đi cấp cứu. Những việc tưởng chừng không dính dáng gì với nhau này, thực ra lại có một logic, rất liên quan.

Khi đài kỷ niệm đổ cùng lúc với trường học sập - 1

Câu chuyện cụm tượng đài "Chiến thắng" ở Bắc Kạn bị gãy hẳn một bức tượng dù cũng mới hoàn thành năm 2015 không khỏi khiến người ta nghi ngờ về chất lượng công trình. Vì ngay sau đó, ông Chủ tịch Thành phố Bắc Kạn giải thích rằng, tượng sập do bị em bé đu bám vào thì sự nghi ngại đó là hoàn toàn có cơ sở khi đó là một công trình lớn, bằng đá, được đầu tư lên tới 14 tỷ đồng.

Song, không chỉ có công trình trên, những năm qua, có không ít các công trình tượng đài được xây dựng nhưng cũng không ít tượng đài bị hư hỏng, đổ vỡ trong một thời gian không lâu sau đó.

Trước sự việc này, như Dân trí đã từng đưa tin trước đây, tượng đài văn hóa ở Đông Triều, Quảng Ninh cao 18 m, nặng hơn 1000 tấn được đầu tư tới 25 tỷ đồng, chưa hết thời gian bảo hành, đã vỡ chóp, hư hỏng nặng. Người ta đã phải thừa nhận chất lượng công trình này kém, thân tượng đài nhiều vết nứt và không hề có cột thu lôi chống sét.

Trước đó nữa là các công trình tượng đài như tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ có tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng nhưng đã bị sụt, lún do các hành vi tham ô, làm trái mà cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, các bị can đã bị bắt giam, xét xử và đến nay cũng đã mãn hạn tù.

Nếu so sánh các vụ đổ trên với các trường học bị đổ, sập như ngôi trường THCS và THPT Đống Đa ở Đà Lạt, Lâm Đồng xảy ra hôm 28/8 vừa rồi thì không đúng chút nào. Bởi các trường học bị đổ lại là vì những lý do khác. Thường các trường bị sập là chủ yếu là các trường đã được xây dựng từ quá lâu, vật liệu kém chứ không phải do bị làm dối dá, ăn bớt như ở một số tượng đài mới xây dựng.

Ví dụ như trường THCS và THPT Đống Đa vừa bị sập ở Đà Lạt, là trường học đã được xây dựng các đây 60 năm, hiện xuống cấp rất trầm trọng, nhà trường đã nhiều lần báo cáo, xin kinh phí sửa chữa mà không được.

Vấn đề đặt ra ở đây là trong khi tượng đài ở nhiều nơi được xây dựng hoành tráng, tốn kém trong đó có những công trình vừa xây xong đã xuống cấp, hư hỏng nhanh chóng thì đã có những cái cấp thiết hơn, là mái trường cho trẻ em nhiều nơi đã không được đầu tư, xây dựng, để xảy ra tai nạn, đe dọa tính mạng, sức khỏe của nhiều em học sinh.

Cho nên, thay vì xây các tượng đài quá hoành tráng, qui mô, phải chăng, Nhà nước nên xem xét kỹ, siết chặt lại, chỉ cho xây dựng những công trình nào thật sự cần thiết, đầu tư đúng mức, đảm bảo chất lượng, còn thì dành nguồn lực còn ít ỏi đó để đầu tư xây trường, dựng lớp cho học sinh các vùng miền, nhiều nơi còn thiếu mái trường an toàn.

Như vậy, Nhà nước vẫn có những công trình tượng đài chất lượng, có ý nghĩa, bền vững với thời gian và trẻ em nhiều địa phương sẽ có thêm những mái trường vững chãi, đẹp đẽ để yên tâm tới trường.

Mạnh Quân