Khi Bộ trưởng cấp học bổng cho tân thủ khoa

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son bày tỏ mong muốn được hỗ trợ học phí suốt 4, 5 năm học cho hai thủ khoa kỳ thi tuyển sinh năm 2013 của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Đó là bạn Nguyễn Hữu Thăng và Bùi Chí Hướng.

(Minh họa: Ngọc Diệp) 

(Minh họa: Ngọc Diệp) 
 

Ngoài đề nghị được hỗ trợ học phí cho hai tân thủ khoa, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son còn gửi gắm: “Tôi mong rằng sau khi nhập học, cá nhân hai em sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, tích cực học tập - rèn luyện - tu dưỡng phẩm chất đạo đức, tham gia nghiên cứu khoa học để có thành tích tốt, trở thành những tấm gương sáng cho bạn bè và thế hệ trẻ, góp phần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Học viện”.

 

Đối với một bộ trưởng, việc hỗ trợ học bổng cho hai thủ khoa hay nhiều hơn là chuyện quá dễ dàng. Bộ trưởng có thể bỏ tiền riêng hoặc vận động từ các nguồn tài trợ, hoặc chỉ đạo Học viện Bưu chính Viễn thông miễn học phí. Không chỉ riêng Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, bất cứ bộ trưởng nào cũng làm được trong trường hợp tương tự, vấn đề là có nghĩ ra hoặc có tấm lòng để làm hay không mà thôi.

 

Niềm vinh dự của hai thủ khoa là đã được chính Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son quan tâm, đánh giá cao nỗ lực học tập và ghi nhận kết quả thi đại học xuất sắc và bày tỏ mong muốn được “cấp học bổng”. Cũng từ sự kiện này, các bạn trẻ sẽ nhìn vào để phấn đấu học tập, đạt được thành tích cao để có thể nhận được những suất học bổng từ xã hội, trong đó có cá nhân, tổ chức. Biết đâu, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành, nhiều bộ trưởng khác cũng sẽ cấp học bổng cho các thủ khoa học ở các trường thuộc lĩnh vực mà ngành có nhu cầu.

 

Việc Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son hỗ trợ học phí cho hai tân thủ khoa còn có tác động lớn hơn, đó là xã hội ghi nhận sự quan tâm của lãnh đạo đối với nền học thuật, công tác đào tạo nguồn nhân lực của nước nhà. Sự quan tâm của lãnh đạo không chỉ là những bài phát biểu chung chung, mà bằng hành động cụ thể, thiết thực. Dân chờ đợi việc làm và phải có hiệu quả. Ví dụ, Bộ trưởng Đinh La Thăng thăm và tặng quà nạn nhân vụ chìm tàu ở Cần Giờ - TPHCM hay Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cấp học bổng cho sinh viên hơn vạn lời nói suông…

 

Sự kiện này còn có sức lan tỏa trong cộng đồng và các địa phương. Lâu nay, không ít địa phương lớn tiếng “trải thảm đỏ” đón nhân tài nhưng chưa có những chương trình thiết thực mà chỉ hô khẩu hiệu. Có lẽ chưa có ông chủ tịch tỉnh nào lên tiếng hỗ trợ học phí cho các thủ khoa của địa phương sau các kỳ thi đại học. Các doanh nghiệp cũng vậy, thường ta thán không có sinh viên giỏi để tuyển dụng, phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh, nhưng không ai dám bỏ tiền cấp học bổng cho các thủ khoa hay sinh viên giỏi.

 

Mấy năm qua, Tập đoàn Intel đã chi hàng triệu USD để đưa sinh viên Việt Nam sang Mỹ đào tạo với mục đích cung cấp nguồn nhân lực cho Intel tại Việt Nam. Cái tầm nhìn xa, trông rộng của họ đúng là khó theo kịp. Và cũng chính vì chú trọng đào tạo con người nên Intel luôn là tên tuổi hàng đầu thế giới. Do vậy, từ chuyện “cấp học bổng” của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, cần khơi dậy một phong trào đầu tư nguồn nhân lực tương lai trong cả cộng đồng, từ các chính khách cho đến các doanh nghiệp.

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!