Kê khai “chị Dậu, anh Pha – Thực ra biệt thự, vi la rất nhiều”

(Dân trí) - Chuyện quan chức nhiều nhà không lạ. Chuyện công chức kêu nghèo như “anh Pha, chị Dậu” cũng không lạ. Chuyện ở một số nơi, quan chức cấp phường, xã thôi nhưng có vài ba cái nhà có khi còn là chuyện đương nhiên nên ngược lại, người nào chỉ có một cái nhà mới lạ.

Kê khai “chị Dậu, anh Pha – Thực ra biệt thự, vi la rất nhiều” - 1

Nhưng nhìn vào bản kê khai tài sản công chức, nói “chua chát” như ĐB Dương Trung Quốc là thấy thương thương vì “cán bộ mà nghèo thế này thì dân giàu sao được!”.

Mới đây, trong phiên góp ý về sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng “than thở”: “Báo chí nói cán bộ không nghèo, nhưng kê khai thì phải nghèo. Đầu nhiệm kỳ phê chuẩn bổ nhiệm, một loạt tập hồ sơ thế này đọc thấy rất nghèo, nhà đi thuê, không có tài sản gì cả”.

Tại nghị trường, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) băn khoăn: “Có những cô gái mới chỉ 19 tuổi đã có biệt phủ xây trên đất hàng ngàn mét vuông, có những người mới chỉ là trưởng, phó phòng nhưng đã có những biệt phủ trên khuôn viên vài ngàn mét vuông. Người dân bình thường cũng biết rằng tài sản đó từ đâu mà có”.

ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho biết: “Thực tế hiện nay, hầu hết các tài sản tham nhũng được cất giấu, gửi ngân hàng hoặc do người thân như bố mẹ, anh chị em, con cháu ruột thịt đứng tên, đến khi về hưu được gom lại, hợp thức hoá”…

Thực tế thì nói trắng ra, cán bộ ta hầu hết không nghèo. Thậm chí, có nhiều người giàu, rất giàu. Thế nhưng, cái “vũ khí” để có thể kiểm soát, giám sát được số tài sản cán bộ theo qui định là bản kê khai thì luôn biến hóa. Rõ nhất là cái nhà, nhiều trường hợp không chính chủ.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 12/6 vừa qua, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng cho biết việc kê khai tài sản nên tập trung vào một số đối tượng là người thân của quan chức, bao gồm con cái, bố mẹ, anh chị em ruột và kể cả anh chị em bên chồng, bên vợ, con nuôi...

Tuy nhiên, theo ông Đạt, Dự luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận lại không đưa việc kê khai tài sản những người này vào.

“Ban đầu, ban soạn thảo có đề nghị như vậy nhưng nhiều cơ quan không đồng ý. Bây giờ, chỉ có quy định con chưa vị thành niên và vợ chồng thôi”. Ông Đạt nói.

Trong khi đó, vẫn theo lời ông Đạt: “Bây giờ có ai là quan chức có 4, 5 cái nhà mà lấy tên mình, vợ mình đâu. Toàn lấy tên những người thân cả. Mà người thân làm doanh nghiệp thì ai có quyền kiểm tra người ta vì họ không thuộc đối tượng kê khai”, ông Đạt phân tích.

Từ thực tế, ông Đạt cho rằng, vấn đề trên là kẽ hở để quan chức để tài sản cho người thân đứng tên. “Bây giờ biết nhiều quan chức đưa tài sản cho người khác nhưng mình không thể làm gì được vì không có quy định. Những người được chuyển giao tài sản họ nói tôi có phải đối tượng kê khai tài sản đâu mà hỏi thế. Họ nói tài sản đó tôi làm ra đấy, còn nếu tôi làm sai thì các anh bắt đi. Làm sao mà bắt được!”,

Đọc những tâm sự của Cục trưởng Đạt mới thấu hiểu, vì sao chủ trương giám sát tài sản cán bộ thông qua việc kê khai nhiều năm qua hiệu quả rất thấp. Mỗi năm, trong số gần một triệu đối tượng thuộc diện này chỉ phát hiện một vài trường hợp kê khai sai, kê khai không đúng và cũng chỉ ở cấp lèng phèng.

Trong khi, không ít cán bộ giàu, rất giàu nhưng khi kê khai thì “anh Pha, chị Dậu”. Trước đây, nhiều trường hợp nhà cửa mang tên vợ, tên con nhưng do gần đây, có qui định kê khai tài sản của cả các đối tượng này (con thì tuổi vị thành niên) nên số tài sản “di cư” sang anh em, cháu chắt.

Thực tình, về lý rất khó bởi ví dụ như có ông chú, bà bác nào đó làm quan lại bắt mình phải kê khai tài sản thì quả cũng khó chấp nhận. Mà người Việt ta vốn nặng tình họ hàng, máu mủ nên việc đứng tên nhận hộ nhau một vài chục tỉ đồng hay hai ba cái vila biệt thự chả khó khăn gì.

Vậy thì làm thế nào bây giờ hả các bạn thân mến của tôi? Chả lẽ lại khoanh tay, bó gối mà nhìn trong bất lực? Không, người viết bài này không tin vào sự bất lực nhưng làm thế nào thì… lại chịu nên rất mong chờ ý kiến của mọi người.

Bùi Hoàng Tám