Hội chứng alo cho… lãnh đạo!?

(Dân trí) - Gần đây, rộ lên “mốt” các “thiếu gia” vi phạm giao thông, nhấc máy gọi lãnh đạo can thiệp và đe dọa CSGT. Tự xưng là cháu lãnh đạo Công an Hà Nội, dọa gọi cho… Phó Thủ tướng!? Rồi đe cảnh sát, nếu không bị đuổi việc thì “đem đầu tôi ra mà chặt”?

Hội chứng alo cho… lãnh đạo!? - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Xin điểm lại mấy vụ việc tiêu biểu gần đây.

Vụ thứ nhất xảy ra đêm 8/11, tổ công tác đặc biệt Y3/141 kiểm tra hành chính chiếc ô tô BKS 16L – 8688. Các “ông giời con” trên chiếc xe này không chỉ chống lại cảnh sát khi làm nhiệm vụ mà còn lớn tiếng đe dọa gọi cho Giám đốc Công an Hà Nội để… đuổi việc một số cảnh sát giao thông với lời lẽ rất ngạo mạn: “Viết đơn nghỉ việc sớm đi” và tuyên bố nếu hai cảnh sát này không bị đuổi việc thì “cứ đem đầu ra mà chặt”. Không dừng ở đó, có đối tượng còn nhổ bọt vào cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ.

Vụ thứ hai là một “nhà báo dởm” tên Tâm không đội mũ bảo hiểm. “Nhà báo” giả danh này khi bị bắt giữ cũng rút điện thoại gọi cho Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh để vu khống công an đánh người vô tội. Nhưng ngay lập tức, cô này bị vạch mặt vì trước đó, Công an huyện Từ Liêm đã triệu tập Tâm lên để điều tra về hành vi “giả danh nhà báo”.

Vụ thứ ba, nghiêm trọng hơn là một đối tượng tên Hưng bị phát hiện mang súng trên xe ô tô đã đem cả… Phó Thủ tướng ra để hù dọa cơ quan chức năng.

Thực ra, chuyện đem “ông to, bà lớn” ra dọa dẫm thiên hạ không mới. Nhà văn Nguyễn Quang Lập trong một tản văn có tên “Ông quan trọng” đã nói rất rõ về dạng người “cáo mượn oai hùm” này. Đó là những kẻ rỗng tuếch về tài năng, nhân cách nhưng luôn luôn biết tạo cho mình cái vỏ quan trọng để kiếm sống và thậm chí thăng tiến, giàu có nhờ biết “mượn oai hùm”.

Cách đây đã hơn 20 năm, khi còn ở Thái Bình, mình cũng biết một bác như vậy. Bác này là hội viên Hội Văn nghệ tỉnh. Hôm đại hội, thấy bác tất tả đi tìm thợ ảnh. Rồi lúc giải lao, chờ cho một vị lãnh đạo tỉnh từ… toilet đi ra, bác chạy đến niềm nở đón chào và “cho em chụp với anh kiểu ảnh”. Vị lãnh đạo thấy một văn nghệ sĩ xin chụp ảnh với mình thì cũng vui vẻ gật đầu. Bác đem về phóng rõ to, treo giữa nhà. Nghe nói nhờ bức ảnh ấy mà bác xóa đi 830kg thóc nợ từ mấy năm nay của hợp tác.

Khi lên Hà Nội, mình có thằng bạn mỗi lần gọi điện, chả cần hỏi đang ở đâu, đã thấy nó kể: Tôi vừa ở nhà anh ba, bác tư hay anh năm, bác sáu… gì đó ra. Rồi nó kể hôm qua ăn cơm ở nhà ai, có món gì, chị hai, chị ba, chị bốn, chị năm, chị sáu… nói gì vân vân và vân vân.

Trở lại với “mốt” gọi điện cho lãnh đạo gần đây. Câu hỏi đặt ra là vì sao nạn “cáo mượn oai hùm” giờ đây lại trở thành “mốt”? Phải chăng do tâm lý người Việt “Một kẻ làm quan cả họ được nhờ” hay do đã từng có vị cán bộ lãnh đạo nào đó can thiệp để “giải cứu binh nhì”, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng?

Chắc không phải vô cớ mà Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã phải phát biểu trước Quốc hội: “Trên thực tế có nhiều người can thiệp vào việc xử phạt vi phạm giao thông, nói ra thì không tiện nhưng tôi đề nghị phải nghiêm cấm lãnh đạo các cấp can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông để công tác xử lý vi phạm được nghiêm minh, vì cứ khi bắt các đối tượng vi phạm là lực lượng liên tục nhận được điện thoại từ các cấp lãnh đạo, anh em không nghe không được, khi xử lý không đảm bảo lại phê phán, chê trách là mắc khuyết điểm”.

Có lẽ đây là nguyên nhân chính chăng?

Bùi