“Hồi âm” tích cực nhưng sao quá… xót xa
(Dân trí) - “Chính quyền họp khẩn trả dân khoản nợ vay 14 năm sau phản ánh của Dân Trí” - đây là thông tin mang tính “tích cực” mà tôi muốn đề cập đến theo tiêu đề bài báo đăng trên Báo Dân trí sáng ngày 19/11.
Đây cũng là bài báo thứ năm mà phóng viên Dân trí đã thực hiện trong loạt bài theo đuổi công bằng cho gia đình ông Mai Văn Phong ở xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Thông tin được phóng viên tìm hiểu và xác minh cho hay, năm 2006 UBND xã Nghĩa An vay 116.400.000 đồng của gia đình ông Mai Văn Phong để chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng xây trường học.
Sau khi các công việc đã hoàn thành, gia đình ông Phong có ý kiến với xã để xin lại số tiền đã vay thì xã trả lời là chưa rút được tiền. Cứ thế, hết năm này qua năm khác mà UBND xã không trả cho gia đình ông, đến nay là 14 năm.
Quá bức xúc, tháng 6/2018, ông Phong làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Nam Trực và được Hội đồng xét xử tuyên: buộc UBND xã Nghĩa An có nghĩa vụ trả cho ông Phong số tiền vay gốc là 116.400.000 đồng.
Tuy nhiên bản án đã tuyên được 2 năm mà ông Phong vẫn chưa nhận được số tiền đã cho UBND xã Nghĩa An vay. Hàng loạt đơn thư được ông Phong gửi đến các cơ quan chức năng trong tỉnh đề nghị giải quyết, nhưng đều nhận được câu trả lời chung chung với nội dung: “đã nhận được báo cáo”, đã giao hướng dẫn”….
Phải tới ngày 18/11 vừa rồi, sau 4 kỳ báo phản ánh của Dân Trí, UBND huyện Nam Trực mới có buổi họp với một số ban ngành của huyện gồm tài chính, kho bạc, tài nguyên môi trường cùng UBND xã Nghĩa An đi đến thống nhất là tới đầu tháng 1/2021, bằng nguồn ngân sách địa phương mới được phân bổ cho năm mới sẽ ưu tiên dành trả nợ cho ông Phong đầu tiên.
Bài báo trích lời ông Phong chia sẻ rằng: “Tôi rất xúc động, không biết phải nói sao nữa, xin gửi lời cảm ơn tới tập thể lãnh đạo và cán bộ, phóng viên báo Dân trí đã quan tâm vào cuộc và giúp đỡ gia đình tôi. Cá nhân tôi cũng được cán bộ xã Nghĩa An cho biết xã đã “nhận lệnh” trả khoản nợ cho tôi vào trước tết nguyên đán rồi, hy vọng lời hứa lần này với sự vào cuộc của báo Dân trí, nó sẽ trở thành sự thật!”.
Quả thực là trước câu chuyện này, người viết có nhiều cảm xúc xen lẫn, vừa vui mừng, cảm động, vừa xót xa lại vừa thấy… nực cười, ngao ngán!
Trong dân gian vốn có câu “đứng cho vay, quỳ đòi nợ”, nói về tình cảnh trớ trêu của quan hệ chủ nợ và con nợ. Lúc cho vay thì đường hoàng, đĩnh đạc ở thế “chiếu trên”, nhưng đến lúc đi đòi nợ lại trong thế “cầm dao đằng lưỡi”, trầy trật đủ cách mới đòi được tiền về.
Nhưng quan hệ vay mượn ở đây lại chẳng phải thông thường, mà là chính quyền cấp xã vay người dân.
Đã nói là vay thì đương nhiên phải có trả. Vay chứ có phải xin đâu mà không trả? Hơn nữa, đã vay thì phải có thời hạn, có lãi suất, có lãi phạt trả chậm… Vậy mà không hiểu nổi, với một khoản tiền không quá lớn (116,4 triệu đồng) mà chính quyền xã Nghĩa An vẫn chây ì thanh toán và kéo dài lê thê tới 14 năm mới giải quyết nổi, tương đương thời gian của gần 3 nhiệm kỳ!
Chưa hết, đến cuối cùng vẫn chỉ thấy đề cập đến khoản vay gốc. Vậy còn tiền lãi tính sao? 14 năm mỏi mòn đó, mặc dù tài sản vẫn còn, vẫn đang nằm ở xã nhưng gia đình ông Phong không thể sử dụng lúc ốm đau bệnh tật. Nói một cách chính xác, khoản tiền đó hoàn toàn là “tiền chết”.
Ông Lưu Quang Tuyển - Chủ tịch UBND huyện Nam Trực nói rất đúng: “Quan điểm của tôi là nợ thì phải trả, không thể để sự việc kéo dài thêm được nữa, 14 năm là quá đủ với cuộc đời của một con người!”.
Mà đương nhiên!
Tiền có phải của xã, của huyện đâu mà giữ. Tiền của dân, đến lúc họ đòi về thì phải trả lại chứ làm gì có chuyện “ngâm vốn”, khác gì hành vi chiếm đoạt, chiếm giữ đâu?!
Rất trân trọng sự quyết đoán và nỗ lực tháo gỡ của ông Tuyển - tân Chủ tịch UBND huyện Nam Trực (dù đó là bổn phận, nghĩa vụ của ông Tuyển trước dân), nhưng cũng cần đặt câu hỏi: Trách nhiệm của các lãnh đạo cũ (của huyện Nam Trực và của xã Nghĩa An) trong vấn đề này đến đâu?
Sự việc kéo dài lê thê “vắt” từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác mà các cựu lãnh đạo vẫn có thể về nghỉ (hưu/chuyển công tác), coi như hoàn thành nhiệm vụ?
Họ có cảm thấy chút day dứt, áy náy nào khi hay tin vợ ông Phong đã mất trên con đường cùng chồng mòn mỏi 14 năm để có tiền đi chữa bệnh trọng. Đến mức, trước khi vợ nhắm mắt, ông Phong phải nuốt nước mắt vào trong để nói dối bà rằng “hay tin bà trở nặng, xã đã cử người xuống trả tiền cả gốc lẫn lãi rồi, mình yên tâm đi nhé!”.
Nếu đặt ngược lại: Người nợ là ông Phong còn bên chủ nợ là chính quyền xã, chuyện này xử lý ra sao?
Thật quá ngao ngán. Đến bao giờ mới hết cái tình cảnh “Luật cho dân, lệ cho quan”?!
Bích Diệp