Hình ảnh chính quyền trong mắt người dân

(Dân trí) - Sự đánh giá khách quan từ các tổ chức, cá nhân và dân chúng là cần thiết để chính quyền địa phương, các bộ, ngành có căn cứ điều chỉnh hoạt động của mình, nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn, tạo ra sản phẩm quản lý xã hội phù hợp hơn.

 

 

(Minh họa: Vũ Toản)

(Minh họa: Vũ Toản)

 

 
Khảo sát xã hội học là một kênh thông tin quan trọng để nhận diện và đánh giá các giá trị xã hội, chất lượng của chính quyền.  Người dân tham gia đánh giá chất lượng của chính quyền là một hình thức thể hiện quyền dân chủ của công dân. Về phía chính quyền, các kết quả khảo sát xã hội học như những tấm gương để tự soi mình. Không soi gương sao biết gương mặt mình như thế nào. Nói cụ thể hơn, làm sao biết được hình ảnh của mình trong mắt dân chúng.

 

Kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng nhìn từ góc nhìn của công chức, người dân và doanh nghiệp” do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới phối hợp điều tra được công bố ngày 20.11 tại Hà Nội. Theo đó, tham nhũng phổ biến nhất là ngành giao thông, nhận tiền và không xử phạt lỗi vi phạm của người tham gia giao thông được coi là hành vi tham nhũng.

Kết quả này không làm kinh ngạc bất cứ ai, bởi vì trên thực tế, tình trạng cảnh sát giao thông nhận tiền mãi lộ khá phổ biến. Mặc dù ngành công an đã đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn, nhưng vẫn chưa hạn chế được tệ nạn này. Người dân tham gia giao thông, các doanh nghịêp kinh doanh vận tải vẫn phải đối diện với nạn mãi lộ như một nỗi ám ảnh. Ngoài những hành vi vi phạm phải đưa hối lộ, còn có tệ nạn xe khách, xe chở hàng hóa phải nộp tiền mãi lộ. Sức cạnh tranh của hàng hóa bị giảm là vì chi phí tiền lót đường.

Nghị định 71/2012 tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm luật giao thông nhằm mục đích lập lại trật tự giao thông, kéo giảm tai nạn. Sử dụng quy định của pháp luật để quản lý xã hội luôn được người dân ủng hộ. Nhưng chính sách dù hay ho đến mấy, cũng không thể áp dụng vào cuộc sống hiệu quả nếu như không có lực lượng thực thi công vụ nghiêm minh, liêm khiết. Trong trường hợp này, các mục tiêu về trật tự an toàn giao thông và kéo giảm tai nạn chỉ đạt được khi lực lượng cảnh sát giao thông làm tốt nhiệm vụ, công tâm. Còn nếu như ngược lại, mức phạt tăng chỉ là cơ hội cho một số người thi hành công vụ có tư tưởng vụ lợi thêm cớ để nhận hối lộ. Hay nói cách khác, đó là hành vi tham nhũng.

Nghị dịnh 71 áp dụng từ ngày 10.11.2012, nếu như sau một thời gian  thực hiện, tình trạng trật tự an toàn giao thông đường bộ vẫn không được cải thiện, rõ ràng có vấn đề trong việc thực thi. Người dân vì sợ phải nộp phạt cao nên “cưa đôi” tiền phạt với cảnh sát giao thông, khả năng này có xảy ra không? Câu trả lời dành cho người dân.

Kết quả khảo sát xã hội học được công bố, nhưng điều quan trọng là sự tiếp thu, chấn chỉnh để hạn chế tối đa tình trạng tham nhũng trong lực lượng cảnh sát giao thông. Điều người dân mong chờ không phải là một kết quả khảo sát, mà không còn tình trạng tham nhũng trong xã hội.

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!