Hai nhà triết học gặp nhau

(Dân trí) - Thảo nào trong trường ông đang dạy có giáo sư trình độ như ông nên hàng năm, chiêu sinh mãi, dù hạ điểm chuẩn thấp đến đâu cũng vẫn chỉ có lèo tèo vài người dại dột đầu đơn xin học

Hai nhà triết học gặp nhau
 
 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 Một ông giáo than phiền:

- Sinh viên trường này, nhiều em chỉ được cái giỏi học vẹt, không có khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống, nản lắm, ông ạ. Hôm rồi kiểm tra vấn đáp một học sinh, bảo em đó trình bày vai trò của ý thức trong thực tiễn cuộc sống, cậu ta trả lời y hệt trong sách. Nhưng khi tôi đưa ra một tình huống thực tế để vận dụng, cậu ấy trả lời… chán như con gián.

- Tình huống đó như thế nào?

- Có một con thuyền đưa một đoàn học sinh trung học cơ sở qua sông. Bất ngờ, một cơn lốc xuất hiện làm nổi sóng, thuyền tròng trành dữ dội làm một em ngồi ở mạn thuyền ngã xuống nước và bị sóng đẩy ra xa. Một em đang ngồi giữa thuyền thấy vậy vội rẽ các bạn lao xuống nước bơi tới chỗ người bị nạn, ngụp lặn vài phút mới mò tìm được, bạn đó, một em thứ hai nhảy xuống nước, bơi ra hỗ trợ bạn kia cùng dìu người bị nạn. Kết quả, người bị nạn được cứu sống. Bây giờ cần phải khen thưởng việc cứu người, nhưng khen thưởng ai? Tôi đặt ra câu hỏi đó, cậu sinh viên này trả lời: "Thưa thầy, tất nhiên là khen thưởng cả hai em nhỏ đó, nhưng công đầu, công lớn nhất là ở em nhẩy xuống nước đầu tiên cứu bạn. Còn em thứ hai, vài phút sau mới nhảy xuống, cũng là hành vi tốt nhưng chỉ ở mức biểu dương". Trả lời thế có chán  không cơ chứ!

- Thế theo ông thì phải trả lời thế nào?

- Nếu vận dụng tốt nội dung bài ý thức mà tôi đã giảng thì cậu ta phải trả lời người cần phải khen thưởng là em học sinh thứ hai, còn em nhảy xuống đầu tiên cứu bạn, chẳng những không biểu dương mà còn khiển trách.

- Nghe ông nói, đầu óc tôi vẫn mù mờ quá, vậy ông chỉ giáo để tôi mở rộng tầm mắt.

- Ô kìa, chẳng lẽ ông không biết tác động của ý thức xã hội đối với con người là vô cùng to lớn. Nó không những là kim chỉ nam cho hoạt động thực tiễn mà còn là động lực thực tiễn. Sự thành công hay thất bại của thực tiễn, chủ yếu phụ thuộc vào vai trò chỉ đạo của ý thức. Tôi khen thưởng em thứ hai vì khi thấy bạn bị ngã xuống nước, trước khi nhảy xuống cứu, em đó đã dành vài phút tư duy về bố mẹ thường khuyên "Thương người như thể thương thân", lại tư duy về nhà trường dạy: "Các em phải biết đoàn kết, yêu quý và giúp đỡ bạn bè"... Từ việc tổng hợp những nguồn tư duy ấy lại, hình thành ý thức vững chắc phải nhảy xuống nước cứu bạn, tạo ra động lực cho em đó nhảy xuống. Như vậy em đó đã hành động có ý thức nên đáng được biểu dương khen thưởng. Còn em đầu tiên vừa thấy bạn ngã xuống nước đã vội nhảy ùm xuống cứu, khi chưa kịp tư duy để hình thành ý thức chỉ đạo nên hành động đó là bột phát, vô ý thức, cần phải khiển trách, ông đã hiểu chưa? 

- Tôi hiểu rồi.

- Hiểu ra làm sao?

- Tôi hiểu thảo nào trong trường ông đang dạy có giáo sư trình độ như ông nên hàng năm, chiêu sinh mãi, dù hạ điểm chuẩn thấp đến đâu cũng vẫn chỉ có lèo tèo vài người dại dột đầu đơn xin học.      

            Nguyễn Đoàn

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!